Trẻ nhỏ bị thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết (SXH) sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ chuyển nặng, gây các biến chứng nguy hiểm và việc chữa trị cũng khó khăn hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp trẻ thừa cân, béo phì khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH, phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện (BV) chuyên khoa nhi để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Mới đây, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã chữa trị thành công cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết 15 tuổi với thể trạng thừa cân (nặng 55kg, trong khi thông thường lứa tuổi này có cân nặng khoảng 40-45kg). Bệnh nhi vào viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, biến chứng suy hô hấp, suy gan, thận, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhi được điều trị tích cực nhưng bệnh diễn tiến nặng, sốc kéo dài, kèm rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp cần phải đặt nội khí quản, thở máy, truyền máu và huyết tương,… Do có biểu hiện nhiễm trùng BV nên bệnh nhi được tiếp tục điều trị hỗ trợ các cơ quan và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Đồng thời, trẻ bị tổn thương gan thận nặng nên được lọc máu liên tục, điều trị hỗ trợ gan. Sau 3 tháng nỗ lực của các bác sĩ điều trị tích cực, bệnh nhi mới qua giai đoạn nguy kịch, dần hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Thu Sương
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, SXH rất dễ chuyển nặng ở trẻ béo phì. Nếu trẻ còn mắc kèm các bệnh khác thì càng gia tăng tình trạng bội nhiễm, khiến bệnh tiến triển nặng nề hơn. Theo nhiều nghiên cứu, hệ miễn dịch của trẻ béo phì suy giảm hơn so với trẻ bình thường nên khi mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh viêm nhiễm sẽ phát bệnh nhanh, mạnh khiến trẻ tổn thương đa tạng… Vì vậy, các trẻ béo phì và trẻ có bệnh lý nền đều có nguy cơ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết, tiên lượng bệnh rất khó lường.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ được chẩn đoán mắc SXH, dù đang ở ngày 1, ngày 2, thậm chí khi chưa có dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng, phụ huynh cũng nên đưa trẻ vào viện sớm để bác sĩ phân loại, theo dõi sát và có phác đồ điều trị kịp thời. Quá trình nằm viện, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh, hạn chế tối đa hiện tượng thoát dịch, suy đa cơ quan của trẻ.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, nhất là trẻ béo phì và trẻ mắc các bệnh lý nền, phụ huynh cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh, bằng cách không để trẻ bị muỗi đốt, cho trẻ ngủ mùng, mặc quần áo dài tay kể cả ban ngày, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ,… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay tới cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà, tuyệt đối không truyền dịch cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
THU SƯƠNG