20/01/2009 - 20:54

Tiến sĩ Mai Văn Nam - Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường đại học Cần Thơ:

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kích cầu hiệu quả

 

Hiện nay, sức mua giảm, đang ảnh hưởng đến sản hoạt động xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Chính phủ vừa thông qua gói kích cầu 17.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN nhằm ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu. Làm gì để các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát huy hiệu quả của gói kích cầu? Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

* Tác động của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN Cần Thơ và vùng ĐBSCL thưa tiến sĩ?

- Phần lớn DN ở Cần Thơ và vùng ĐBSCL là DN vừa và nhỏ cho nên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi sức mua giảm. Trước mắt, địa phương nào có nhiều DN xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, do thị trường xuất khẩu đang sụt giảm và những rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều. Trong nội tại của DN vùng ĐBSCL xét về quy mô, năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh... còn nhiều yếu kém. Khi thu nhập của người dân giảm, kéo theo sức mua giảm, DN không bán được hàng hóa và phải chấp nhận thu hẹp sản xuất. Thêm vào đó, chúng ta đang mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế theo cam kết WTO, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng và DN trong nước phải chịu thêm sức ép cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Nếu DN không tổ chức lại sản xuất với giá thành hạ, chất lượng cao cùng với việc xây dựng thương hiệu sẽ khó mà cạnh tranh với hàng ngoại. Hệ lụy là DN giảm quy mô sản xuất kinh doanh, công nhân thất nghiệp kéo theo tăng trưởng giảm.

Gói kích cầu 17.000 tỉ đồng sẽ làm tăng sức mua năm 2009. Ảnh: THU HÀ 

Vừa qua, Chính phủ đã thông qua gói kích cầu 17.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN, đây là chính sách điều tiết kịp thời. Song, đối với ĐBSCL phải chọn những mặt hàng ưu tiên và thế mạnh của vùng để hỗ trợ lãi suất. Hơn 70% dân số trong vùng sống nhờ vào nông nghiệp, do đó chọn những mặt hàng thiết yếu phục vụ an sinh xã hội vừa đảm bảo thu nhập của người dân, như vậy kích cầu mới phát huy hiệu quả.

* Theo tiến sĩ, khi Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ kích cầu, các địa phương trong vùng ĐBSCL nên chọn ngành hàng nào để hỗ trợ?

- Tôi cho rằng, TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng cần ưu tiên hỗ trợ cho DN sản xuất sử dụng nhiều lao động và DN xuất khẩu, nếu xuất khẩu giảm thì thu ngân sách sẽ giảm. Đối với DN cần vốn lớn mà sử dụng ít lao động, hỗ trợ lãi suất sẽ không hiệu quả và tỷ lệ thất nghiệp trong vùng nhanh chóng tăng lên. Bởi cây lúa, con cá, con tôm... là thế mạnh của vùng và DN trong vùng đa phần là DN trong ngành chế biến nông sản. Khi DN không bán được hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Kích cầu nhằm tăng sản xuất, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người dân để tăng sức mua.

* Có ý kiến cho rằng, ngoài hỗ trợ lãi suất cho DN xuất khẩu cũng cần hỗ trợ DN nhập khẩu. Tiến sĩ nhận định vấn đề này ra sao?

- Đối với DN nhập khẩu chỉ nên hỗ trợ cho những ngành hàng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào mà trong nước không đáp ứng được. Nếu không xác định rõ ràng vấn đề này, DN nhập hàng với giá rẻ hơn sẽ làm triệt tiêu DN trong nước. Đối với ĐBSCL, ngoài gói kích cầu, Chính phủ cần hỗ trợ cho vùng vấn đề tiêu thụ hàng hóa bằng hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực. Giúp địa phương, DN tìm thị trường và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với hàng ngoại, đồng thời chiếm lĩnh thị trường trong nước.

* Năm 2009 mở cửa thị trường bán lẻ cũng là lúc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra, DN chịu sức ép của hàng hóa nhập khẩu vừa chịu áp lực suy giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Tiến sĩ có lời khuyên gì cho DN?

- Năm 2009 không khó khăn mấy về thị trường bán lẻ, do DN nước ngoài vào phải thiết lập hệ thống phân phối nên còn tốn nhiều thời gian. Mà khó khăn nhất là suy thoái kinh tế, suy thoái từ bản thân của DN, còn thị trường bán lẻ chỉ ảnh hưởng vào năm 2010. Các DN xuất khẩu hàng nông sản ở ĐBSCL quy mô nhỏ, nên chưa nhiều DN xuất trực tiếp mà xuất ủy thác và chưa có thương hiệu, quy trình sản xuất lại chưa đạt chuẩn quốc tế. Do đó, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm khách hàng và xây dựng thương hiệu. Nếu DN bán hàng hóa qua trung gian sẽ đẩy chi phí marketing lên cao và làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ở ĐBSCL đa số là DN vừa và nhỏ nên thiết lập kênh phân phối còn nhiều bất cập, phải phụ thuộc vào tư thương.

Hiện tại, việc thiết lập hệ thống phân phối nối dài từ sản xuất đến tiêu thụ chỉ DN lớn mới đủ khả năng thực hiện, nhưng không nhất thiết phải xây dựng hệ thống phân phối nối dài này. Nếu DN biết tận dụng mối liên kết hợp tác với nhau, người nông dân cùng nhau xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác... DN liên kết với nông dân, giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Nhà nước đứng ra làm trọng tài, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN sẽ giải quyết tốt vấn đề sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của vùng.

* Ngoài nguồn hỗ trợ của Chính phủ từ gói kích cầu, theo tiến sĩ các địa phương trong vùng cần phải làm gì để ngăn chặn suy giảm kinh tế?

- Hiện nay, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng ĐBSCL và thu hút đầu tư, do chi phí vận chuyển hàng hóa của DN đến các cảng ở TP Hồ Chí Minh cao. Do đó, cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng không đầu tư tràn lan, tập trung trọng điểm những dự án khả thi liên quan đến an sinh xã hội, xuất khẩu. Rà soát lại dự án treo, vì dự án treo cũng là một trong những nguyên nhân làm cho suy thoái kinh tế. TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng đều vướng phải vấn đề này, nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và suy giảm kinh tế.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết