25/05/2008 - 09:38

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án dân sự:

Cần tổ chức thí điểm xã hội hóa công tác thi hành án dân sự

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật thi hành án dân sự. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)

Sáng 24-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS). Đa số ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật THADS.

Nói về mô hình cơ quan THADS, đại biểu Phạm Lê Chi (Quảng Ninh) nhất trí với phát biểu của nhiều đại biểu là mô hình tổ chức có tính quyết định đến hiệu quả của công tác THADS, do vậy cần làm rõ những vấn đề về lý luận, thực tiễn của mô hình này. Về vấn đề XHH trong THADS, đại biểu cho rằng cần tổ chức thí điểm. Về nội dung liên quan đến vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đại biểu tán thành phải có quy định trong luật này về cơ chế về giải quyết khiếu nại thi hành án. Vì thi hành án là hoạt động tư pháp cần có cơ chế đặc thù.

Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) băn khoăn về tính khả thi của việc XHH công tác THADS vì đây là hoạt động tư pháp, Nhà nước và cá nhân tham gia chia sẻ quyền lực này như thế nào, việc luân chuyển, điều động cán bộ đối với chấp hành viên ra sao, theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay, đây không phải là một ngành, một nghề hấp dẫn cũng như không thể tuyển sinh cùng một lúc nhiều sinh viên vào trường Đại học Luật. Về mô hình tổ chức và quản lý cơ quan THADS, đại biểu nhất trí với phương án Bộ Tư pháp quản lý về nhà nước đối với cơ quan này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa THADS với chính quyền các cấp tại địa phương, nếu không trong quá trình triển khai thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm Quy định về công cụ hỗ trợ đối với người THADS vì như hiện nay, nhiều cơ quan được sử dụng công cụ hỗ trợ nhưng vẫn không được an toàn (ví dụ như ngành kiểm lâm chẳng hạn).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Chính phủ đã giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu đã nêu về công tác thi hành án. Theo Bộ trưởng, có rất nhiều vấn đề các đại biểu nêu và trong báo cáo của Chính phủ đã tiếp thu, tới đây sẽ có chỉnh lý và báo cáo Quốc hội. Với lộ trình cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra thì sau nhiệm kỳ này (có thể là đầu nhiệm kỳ QH khóa 13) thì chắc chắn chúng ta phải xây dựng lại Bộ luật thi hành án trên cơ sở thống nhất công tác THADS và thi hành án hình sự. Về vấn đề XHH, Chính phủ đã đề nghị cho sửa lại theo hướng không phải là cấp phép cho một cá nhân thực hiện THA mà thay vào đó là bổ nhiệm chức danh. Người được bổ nhiệm sẽ thành lập ra tổ chức thực hiện THA. Bộ trưởng thiết tha đề nghị Quốc hội chấp nhận việc này với lý do “THA đương nhiên là của quyền lực của Nhà nước. Tuy nhiên có những việc mà xã hội làm tốt hơn thì chúng ta cần san sẻ gánh nặng với nhà nước”. Ví dụ như công chứng trước đây (công chứng cũng là quyền lực của Nhà nước). Mới đây, QH cũng đồng ý để công chứng viên được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có thể thành lập văn phòng công chứng, công ty công chứng riêng. Ở nhiều nước, hiện nay trại giam cũng đã do các doanh nghiệp thành lập trại giam thay vì cơ quan nhà nước. Về nhiều ý kiến đại biểu còn băn khoăn XHH công tác thi hành án sẽ như kiểu Công ty đòi nợ, thì quy định phải rất chặt chẽ, không thể có chuyện đó, Bộ trưởng khẳng định.

Cuối giờ làm việc sáng 24-5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật này. Sáng thứ hai 26-5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi).n

XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết