21/10/2024 - 10:54

Cần Thơ nỗ lực bảo tồn nhạc lễ 

Trải qua bao năm tháng, nhạc lễ của người Việt ở Nam Bộ nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, vẫn đều đặn cất lên trong đình, miếu hay các dịp tang, tế. Hiện nay, Dự án Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ của người Việt ở TP Cần Thơ đang được triển khai với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Lớp Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ được tổ chức tại Đình Bình Thủy.

Trong hành trang khai phá vùng đất phương Nam của các bậc tiền nhân có cây đàn. Ðể rồi, trên vùng đất mới, hình thành nên loại hình nhạc lễ, không phải để thưởng thức mà để giáo dục, làm đẹp tâm hồn, để định hình cốt cách của người Nam Bộ: trọng lễ, kính giáo và trượng nghĩa.

Nhạc lễ Nam Bộ có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình Huế, giao hòa với văn hóa, âm nhạc bản địa, làm nên loại hình âm nhạc đặc trưng. Nhạc lễ Nam Bộ là âm nhạc nghi lễ, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ suốt hơn trăm năm qua và được coi là khởi nguồn của nghệ thuật đờn ca tài tử. Tuy nhiên, nhạc lễ đương đại đang có nguy cơ mai một, thất truyền hoặc lai tạp. Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ là đòi hỏi bức thiết tại các địa phương, trong đó có TP Cần Thơ.

Trao truyền nhạc lễ

Sau tiếng gài trống của nhạc sĩ Nhứt Dũng, ban nhạc lễ bắt đầu bài Ðánh Nghinh. Tiếng trống, kèn, bạc… vang lên, hòa nên giai điệu vừa uyển chuyển, bay bổng, vừa nghiêm trang, cung kính. Bài Ðánh Nghinh hay còn gọi là Nghinh thiên - tiếp giá được tiếp thu từ bài Tam luân - cửu chuyển của âm nhạc cung đình Huế - vốn chỉ dùng cho vua, quan, được nhạc sư Ba Ðợi (Nguyễn Quang Ðại) tiếp thu và biên soạn lại để sử dụng trong nghi thức cúng tế của người bình dân. Dù vậy, lối đánh 3 hồi, 9 chập vẫn giữ như cũ.

Tiếp theo, ban nhạc lễ trình tấu bài Nam Ðảo nhịp bụa, nghĩa là nhịp chiếc theo lớp của trống, một câu nội và một câu ngoại. Bài này thường tấu lên mỗi dịp nghi lễ tế Thần, dùng cho học trò lễ đi (khi không có đào thài) hoặc dùng hát Xây chầu - Ðại bội (khi có đào thài hát xen).

Những tiếng nhạc lễ vang lên uy nghiêm trong không gian của mái đình Bình Thủy cổ kính, rêu phong, gây xúc động cho người nghe trong lễ khai giảng Lớp Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ của người Việt ở TP Cần Thơ do Bảo tàng TP Cần Thơ vừa tổ chức. Ngay cả những hương nhạc, nhạc lễ đã làm nghề lâu năm vẫn có cảm xúc đặc biệt khi tiếng nhạc lễ vang lên.

Nghệ sĩ Nhứt Dũng dạy em Quý đánh trống.

Tham gia lớp học là các hương nhạc, người làm nhạc lễ và ban tế tự các đình, miếu… trên địa bàn thành phố. Nhạc sĩ Nhứt Dũng - giảng viên Trường Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh, và các cộng sự đến từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, sau khi thẩm tra kỹ năng chơi nhạc của học viên sẽ tiến hành các chuyên đề: giới thiệu một số nhạc cụ tiêu biểu của dàn nhạc lễ Nam Bộ của người Việt; nhạc lễ Nam Bộ trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt; chuyên đề chuyên sâu về “Tang và Tế”; thực hành một số bài bản tiêu biểu trong lễ Tế - Tang… Học viên tham gia lớp học đều rất tâm huyết, mê mải học hỏi như gặp được tri kỷ, tri âm.

Ông Nguyễn Văn Chính, Ban tế tự Ðình Thần Tân Lộc Ðông (quận Thốt Nốt) tham gia lớp học, chia sẻ: “Lớp học này rất hữu ích, đúng ngay chuyện tôi cần, tôi muốn học”. Ông Chính làm nhạc lễ ở đình gần 20 năm, thạo thổi kèn và đánh bạc, nhưng chủ yếu là “học lóm”, anh em chỉ nhau chứ không qua trường lớp bài bản. Vậy nên qua những buổi tham gia lớp học, ông Chính tự tin hơn với ngón nghề của mình.

Ông Ðào Thanh Tân, đến từ Ðình Thần Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), kể rằng: Ban tế tự đình có trang bị đầy đủ nhạc cụ nhạc lễ, nhưng cái khó suốt nhiều năm qua mỗi lần đáo lệ Kỳ yên hay cúng tế là đều phải thuê mướn nhạc sinh, chứ không có ban nhạc lễ cố định của đình. Ông tham gia lớp học là để am hiểu thêm về loại hình này, để có thể coi sóc, tổ chức lễ nghi của đình tốt hơn. Ði cùng ông Tân còn có em Nguyễn Văn Quý, 18 tuổi, ngụ khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng. Quý kể, từ nhỏ em đã hay lại đình chơi, náo nức mỗi khi đình đáo lệ Kỳ yên và bị cuốn hút bởi dàn nhạc lễ cúng đình. Khi nghe Bảo tàng TP Cần Thơ có tổ chức lớp này, Quý đã đăng ký với các bác Ban tế tự Ðình Thần Thuận Hưng tham gia học. “Em muốn học để có thể về làm nhạc lễ cho đình ở quê em. Em nghĩ, tuổi trẻ như em cần phải có sự kế thừa để giữ gìn di sản” - Quý nói.

Quả vậy, những buổi học của lớp này, hay nói chính xác hơn là những buổi truyền lại nghề xưa thật ý nghĩa. Người biết nhiều chỉ người biết ít, hay là chưa biết, để nhạc lễ Nam Bộ sẽ được khôi phục, đúng gốc và trao truyền cho thế hệ mai sau.

“Phi nhạc bất thành lễ”

Lớp truyền dạy này trong khuôn khổ Dự án Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ của người Việt ở TP Cần Thơ, năm 2024 do Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thực hiện Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, thành phố đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án thiết thực. Có thể kể đến như kiểm kê hơn 100 loại hình di sản văn hóa ở 9 quận, huyện; thực hiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 5 di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Theo ông Tuấn, hiện nay bên cạnh những loại hình di sản văn hóa phi vật thể về diễn xướng dân gian như nghệ thuật Ðờn ca tài tử, hò Cần Thơ, hát ru… còn tồn tại trong cộng đồng, thì một số loại hình di sản có nguy cơ mai một, trong đó có nhạc lễ. Ở Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung, trước đây nhạc lễ được sử dụng trong các dịp quan - hôn - tang - tế. Ngày nay, nhạc lễ có phần giản lược, được thực hành chủ yếu vào các dịp cúng Kỳ yên tại đình, miếu, cúng tế trong đám tang và tồn tại sử dụng một số nhạc cụ trong dịp cúng tại các chùa. Do đó, Dự án Khôi phục và truyền dạy nhạc lễ của người Việt ở thành phố Cần Thơ, năm 2024 nhằm bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nhạc lễ truyền thống cho một số cá nhân, nhóm, đội, ban nhạc lễ, ban nghi thức tại các di tích đình, miếu trên địa bàn thành phố.

Ban nhạc lễ của ông Bưởi tại lễ Chánh tế Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy.

Theo các nhà nghiên cứu và nghệ nhân cao niên ở Cần Thơ, nhạc lễ có mặt ở Nam Bộ cũng như vùng đất Cần Thơ ngay từ thời những lưu dân miền Trung vào khai cơ, lập nghiệp. Từ những giai điệu cung kính của nhạc lễ cung đình, các nhạc sư tiền bối đã cải biến thành một loại hình âm nhạc bình dân mà linh thiêng, cung kính. Có người cho rằng, nhạc lễ còn gọi là ngũ nhạc bởi vì có 5 nhạc cụ chính là trống, bạc, kèn, mõ và đờn.

Văn hóa Nam Bộ quan niệm: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Ðặc biệt, nhạc lễ cúng đình là nét văn hóa về lòng tri ân tổ tiên, các bậc tiền nhân khai hoang, mở cõi. Vậy nên truyền thống của người Nam Bộ vẫn quan niệm, có nhạc mới có lễ, “phi nhạc bất thành lễ”. Tổ Nhạc luôn là vị Tổ được kính thờ trong các ngôi đình Nam Bộ, trong đó có hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ. Thử tưởng tượng một cuộc Kỳ yên mà thiếu nhạc lễ để cử hành Chánh tế, Xây chầu, Khai sắc… thì thật thiếu tôn nghiêm và buồn tẻ. Khi tiếng nhạc lễ trỗi lên, con người như tìm được chỗ dựa tinh thần, tiếng nhạc nương theo khói hương hòa cùng tâm tình của người hôm nay dâng lên tiền nhân, trời đất.

Ở TP Cần Thơ, vẫn còn một số nghệ nhân nhạc lễ gắn bó với nghề. Tiêu biểu là nghệ nhân Trần Văn Bưởi ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, vẫn chuyên tâm làm nghề và truyền nghề cho rất nhiều con, cháu, học trò. Ban nhạc lễ của ông Bưởi vẫn thường góp mặt trong các dịp Kỳ yên, cúng tế ở Cần Thơ. Ông Bưởi là thế hệ thứ tư trong gia tộc có truyền thống nhạc lễ, và đến nay gia tộc này đã có đến thế hệ thứ sáu làm nghề, vẫn luôn kính nghề, giữ nghiệp. Gần trọn cuộc đời làm nhạc lễ, ông Bưởi vẫn hay nói nhạc lễ là cuộc đời của ông. Trong lớp nhạc lễ, người ta lại thấy một lão nghệ nhân chăm chú lắng nghe, tỉ mẫn thực hành, đầy khiêm tốn và tận tâm. Còn có nhiều nghệ nhân như ông Năm Chi ở Phong Ðiền, ông Út Tặng ở Ô Môn, ông Bích ở Bình Thủy… họ vẫn luôn tâm huyết giữ gìn nhạc lễ Cần Thơ.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết