10/02/2021 - 08:47

Cần Thơ nâng tầm đô thị 

Cần Thơ đã đạt những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực phát triển đô thị, với nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng, làm thay đổi diện mạo thành phố, xứng tầm với vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Trong giai đoạn mới, Cần Thơ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị hiện đại, mang bản sắc sông nước miền Tây và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

Phối cảnh cầu Trần Hoàng Na. 

Không ngừng vươn lên

Sau khi trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương năm 2009, TP Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2015-2020 cho thấy rõ thêm bước chuyển mình của Cần Thơ. Nhiều dự án quan trọng được đầu tư như: Dự án đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) đoạn từ Mỹ Khánh - Phong Ðiền, đường tỉnh 922 từ quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ, Dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C (huyện Phong Ðiền), Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3)... Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới cũng được triển khai có thể kể ra gồm khu đô thị mới An Bình (khu 1, 2, 3), khu đô thị mới lô số 9 quận Bình Thủy, các khu đô thị mới (khu đô thị Nam Cần Thơ) tại quận Cái Răng…

Khu đô thị Nam Cần Thơ được xem là khu đô thị “sầm uất” bậc nhất khu vực ÐBSCL. Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đoạn từ Mỹ Khánh - Phong Ðiền có chiều dài hơn 3,66km, rộng rãi và thoáng đãng nối dài tuyến đường nội ô từ bờ sông Hậu (cồn Khương) tới trung tâm huyện Phong Ðiền,  đô thị sinh thái của thành phố. Ðặc biệt, Dự án 3 được triển khai thực hiện thời gian qua đang tạo thêm “điểm nhấn” cho đô thị Cần Thơ.

Ðến nay, các công trình ưu tiên của Dự án 3 đã được triển khai thực hiện, trong đó công trình lớn nhất của dự án là cầu Trần Hoàng Na khởi công vào tháng 9-2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1A với các đường trung tâm, kết nối Cái Răng với Ninh Kiều, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ… Ðến cuối năm 2020, ba công trình ưu tiên khác là đường Trần Hoàng Na đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Trần Hoàng Na, đường Trần Hoàng Na đoạn song song quốc lộ 1A đến nút giao IC3 và cầu Quang Trung đã cơ bản hoàn thành, tạo thêm cảnh quan đẹp cho đô thị Cần Thơ. Nhất là cầu Quang Trung có kết cấu vòm thép (gồm 5 nhịp vòm) đặt ở giữa 2 đơn nguyên tạo cảnh quan cầu đẹp, hiện đại, thể hiện khát vọng vươn lên của thành phố miền sông nước Cửu Long.

Mở rộng không gian đô thị

Căn cứ Nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2020, Cần Thơ đã triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện lập Quy hoạch thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2021. Mục tiêu giai đoạn tới được xác định xây dựng Cần Thơ  đến năm 2030 trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, an toàn, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL. Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại, an toàn, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

Khu đô thị Nam Cần Thơ được xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Cần Thơ.

Ði vào chi tiết công tác quy hoạch, ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, nói: “Thành phố đã tổ chức lập các quy hoạch phân khu các quận để làm cơ sở định hướng phát triển đô thị TP Cần Thơ. Quy hoạch phân khu cũng là cơ sở xác định dự án đầu tư phát triển đô thị; gồm dự án đầu tư công và kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các khu đô thị, khu chức năng phát triển đô thị, hoặc hạ tầng khung (hạ kỹ thuật và hạ tầng xã hội). Từ các quy hoạch phân khu, các quận có điều kiện kêu gọi các dự án đầu tư và đề xuất các dự án đầu tư công phù hợp...”.

Năm 2020, Sở Xây dựng TP Cần Thơ và đơn vị tư vấn đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của các quận trên địa bàn thành phố. Kết quả, có 4 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND thành phố phê duyệt: quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt. Riêng đồ án Quy hoạch phân khu còn lại là quận Ô Môn, Sở Xây dựng TP Cần Thơ dự kiến hoàn chỉnh và trình phê duyệt trong năm 2021. Theo đó, Ninh Kiều và Bình Thủy là khu đô thị truyền thống; bố trí trung tâm chính trị - hành chính thành phố; trung tâm tiếp vận về đường bộ, đường thủy và hàng không; trung tâm giáo dục, y tế, thể thao, thương mại và dịch vụ cấp thành phố và cấp vùng; các khu hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung… Cái Răng và Thốt Nốt là khu đô thị - công nghiệp. Ô Môn trở thành khu đô thị mới của thành phố.

Cần Thơ cũng đang ra sức xây dựng đô thị thông minh, ưu tiên ở 9 lĩnh vực trọng tâm như: chính quyền số, quy hoạch đô thị thông minh, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và an ninh, an toàn trong đô thị thông minh. “Ðề án xây dựng đô thị thông minh đã qua 4 lần lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành và chuyên gia. Ðây là đề án mới mẻ và rất khó, tới đây thành phố sẽ nỗ lực làm tốt hơn để xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh năm 2025…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.

Cầu Quang Trung tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Cần Thơ.  

***

Có thể nói, Cần Thơ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực và sức bật mạnh mẽ cho thành phố vươn lên. Tất cả nhằm sớm đưa Cần Thơ đạt được mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết