17/11/2012 - 15:43

Cần Thơ - Bước khởi đầu văn chương của Phan Ngọc Hiển

Đồng chí Phan Ngọc Hiển cũng là một nhà báo xuất sắc. (Ảnh chụp từ quyển "Lịch sử Đảng bộ huyện
Ngọc Hiển")

Cho đến nay, hình như người ta chỉ nhớ đến Phan Ngọc Hiển qua một địa danh (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), một tên trường (trường Phan Ngọc Hiển ở Cà Mau, Cần Thơ). Trong xã hội, gần như chỉ biết ông như một nhà cách mạng cuối thập niên ba mươi, chứ ít biết ông từng là một nhà báo sắc sảo.

Trong báo An Hà (tuần báo, ra đời tại Cần Thơ năm 1917 đến hết năm 1933, đình bản do khủng hoảng kinh tế), chúng tôi tìm thấy các tác phẩm đầu tay của người thanh niên Phan Ngọc Hiển trong các số báo An Hà năm 1931 bao gồm 2 bài xã luận Các giáo viên nên để ý vấn đề làm sách cho trẻ em học (AHB số 726 năm 1931 ký bút danh Minh Sơn), "Thầy giáo năm nay có mang danh thất nghiệp chăng?" (AHB số 726 năm 1931 ký bút danh Minh Sơn), 1 bài nghị luận luân lý "Hiếu của người nghèo" (AHB số 726 năm1931), trên báo ghi rõ tên thật, bút danh, địa chỉ), và đặc sắc nhất là một tiểu thuyết có tên là "Bốn năm đất khách" (AHB từ số 741- 768, năm 1932). Tất cả đều được đăng trên báo An Hà trong 2 năm 1931, 1932 với bút hiệu Minh Sơn, được chú thích rõ ràng tên thật là Phan Ngọc Hiển, ghi rõ nơi ở là Thới Bình.

Nội dung các bài xã luận và nghị luận phản ánh rất nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Năm ấy, Phan Ngọc Hiển vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Sài Gòn (1931), trở về quê nhà Cần Thơ trong hoàn cảnh dập dồn nhiều việc khó khăn. Ông mồ côi cha mẹ, anh chị nghèo, bản thân chưa xin được chỗ dạy học. Do kinh tế khủng hoảng nên nhà nước thuộc địa không thu thêm giáo viên. Toàn xã hội đều ách tắc kinh tế, nhiều doanh nghiệp và điền chủ Nam bộ phá sản. Tất cả những điều này đều thể hiện trong các bài viết của ông, lúc bấy giờ đang là một thanh niên 21 tuổi, phải đối phó với nhu cầu tự lập và giúp đỡ gia đình, trong lòng còn nhiều thiết tha khát vọng. Phan Ngọc Hiển đã viết cho báo An Hà tại Cần Thơ trong hai năm.

Trong hai năm 1931 và 1932, báo An Hà đăng tải nhiều tác phẩm của Phan Ngọc Hiển. Đây là những tác phẩm đầu tay, ra đời trước những tác phẩm trong thời kỳ Phan Ngọc Hiển rời Cần Thơ xuống Cà Mau dạy học và tham gia cách mạng.

Cuộc đời chỉ 31 năm nhưng Phan Ngọc Hiển đã để lại một sự nghiệp viết lách phong phú bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và đặc biệt là mảng văn chương báo chí bao gồm phóng sự, điều tra, văn chương chính luận. Chỉ riêng các tác phẩm báo chí đã đăng trên báo khoảng 70 bài. Đáng chú ý là sự nghiệp văn chương của ông đã bắt đầu tại Cần Thơ quê hương ông. Những bài bút chiến, chính luận sắc sảo được đăng trên báo Tân Tiến ở Sa Đéc về sau cũng là sự nối dài những bước ban đầu của một sự nghiệp sáng tác đã khởi đầu tại đất Cần Thơ. Sau đó, sự nghiệp văn chương của ông cũng phát triển trên các vùng miền khác của Nam bộ, ở tất cả những nơi ông đã từng sống, dạy học và hoạt động cách mạng.

Tuy nhiên, quê hương Cần Thơ vẫn in đậm dấu ấn trong sáng tác của ông. Chẳng hạn như các bài phóng sự đăng trên báo Tân Tiến Sa Đéc trong năm 1936 (báo An Hà lúc này đã đình bản hơn 2 năm) như "Vấn đề đánh thuế huê lợi", "Ông Bùi Quang Chiêu giữa công chúng Cần Thơ nói mình nhiệt huyết với đồng bào", "Nhiều người chất vấn" phê phán cuộc nói chuyện mị dân của chính khách Bùi Quang Chiêu tại Cần Thơ ngày 15 tháng 11 năm 1936, phóng sự "Kermesse Cần Thơ" tường thuật lại những bất ổn của một cuộc hội chợ diễn ra tại Cần Thơ năm 1936. Đặc biệt trong phóng sự "Đêm ở kinh đô Hậu Giang" tác giả khẳng định là ông không viết về "Những dòng sông êm ả dưới trăng, cũng không phải tả cách sống của hạng công tử giàu sang phóng lảnh ở đây, lúc Bungalow, lúc Huê Viên lữ quán, cùng chén rượu mộng tình…", mà chủ yếu muốn viết về phía bên kia của cuộc ăn chơi xa xỉ, chính là "một góc tối của mấy cậu lỡ xạt công tử", loại nhà nghèo nhưng cũng ham chơi "buông lung bay bổng đến đắm trầm".

* * *

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Nam Bộ, trước hết Phan Ngọc Hiển đã tiếp nhận cả một bầu không khí thời đại sục sôi nhiệt tình yêu nước, với sự chuyển biến dần từ lý tưởng canh tân để cứu nước sang tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Điều này được thể hiện trong các bài báo mang nội dung chính luận, yêu nước chống thực dân của Phan Ngọc Hiển được viết trong những năm cuối thập niên 30. Tình cảm "thương đồng bào" của Phan Ngọc Hiển không chỉ dành cho người và đất Cần Thơ, mà nó đã mở rộng cho toàn thể đồng bào Nam kỳ lục tỉnh theo bước đường hoạt động cách mạng của ông.

Riêng câu văn quốc ngữ đậm đà chất giọng Nam bộ trong tác phẩm của Phan Ngọc Hiển có thể là một bất ngờ thú vị cho người nghiên cứu. Nó không cầu kỳ bóng bẩy nhưng cũng không đơn giản, trơn tuột, không cố ý văn hoa nhưng vẫn mượt mà, không phải văn bác học nhưng cũng không rơi vào thông tục trong cách dùng những khẩu ngữ, phương ngữ miền Nam. Đó là câu văn của một nhà văn Nam bộ phối hợp được sự chuẩn mực và tính bản sắc một cách khá nhuần nhuyễn.

Sự nghiệp sáng tác của Phan Ngọc Hiển cũng đã góp phần không nhỏ cho sự phong phú của văn học quốc ngữ ở Nam bộ trong thập kỷ 1930. Nói cách khác, với những tác phẩm đầu tay được sáng tác tại Cần Thơ cho đến những tác phẩm về sau được sáng tác trong những chặng đường tranh đấu ở các địa phương khác, ta có thể khẳng định rằng ngoài lòng yêu nước để trở thành một chiến sĩ trong lịch sử cách mạng, ông còn là một nhà văn Nam bộ gốc Cần Thơ. "Chuyện Cần Thơ" sau đó đã được Phan Ngọc Hiển mở rộng, nối dài thành chuyện của đất và người Nam bộ trong những chặng đường đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do.

Bằng những đóng góp to lớn về sự nghiệp sáng tác văn chương và báo chí, Phan Ngọc Hiển được quyền có một vị trí xứng đáng trong số những nhà văn phương Nam đã đóng góp đáng kể vào quá trình hiện đại hóa của văn học quốc ngữ Việt Nam hiện đại đã bắt đầu sớm nhất từ Nam bộ.

LÊ NGỌC THÚY

Chia sẻ bài viết