04/11/2010 - 08:37

KỲ HỌP THỨ TÁM, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần những giải pháp mạnh, linh hoạt trong điều hành giá

* Trình Quốc hội dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2011

(TTXVN)- Ngày 3-11, Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2011.

Các ý kiến thảo luận tại Hội trường đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua; nguồn thu ngân sách tăng và bội chi ngân sách giảm so với dự kiến đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, các đại biểu (ĐB) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề liên quan đến mức độ lạm phát và công tác điều hành giá.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, với tình hình thực tế hiện nay, mức lạm phát dự báo có thể lên đến 9%. Nguyên nhân của lạm phát tăng cao một phần do công tác điều hành giá của Chính phủ còn lúng túng. ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ có báo các về công tác điều hành giá và có giải pháp trong thời gian tới; giảm bội chi ngân sách. Bội chi ngân sách vẫn đưa ra mức 5% GDP là không hợp lý, vì như vậy thực chất bội chi vẫn tăng theo từng năm, ĐB Hùng nói. Tiếp tục mạch ý kiến trên, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và ĐB Lê Văn Thành (Hải Phòng) đề nghị cần có biện pháp giảm bội chi ngân sách dưới 5%, thông qua kiểm tra, giám sát việc chi ngân sách tại các dự án. Ngay trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ, chi ngân sách năm 2010 còn một số bất cập, đầu tư còn dàn trải, kiểm soát, hậu kiểm kê khai thuế, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông) cho rằng, GDP tăng nhưng lạm phát cũng tăng theo thì chất lượng tăng trưởng là chưa cao.

Về dự toán và phân bổ ngân sách TW năm 2010, nhiều ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay đề nghị Chính phủ cần sắp xếp lại cơ chế và cơ cấu chi, trong đó tăng chi cho các công trình phúc lợi, an sinh xã hội và huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển. Cùng với đó, có kế hoạch sắp xếp và cân đối lại mặt bằng chi, theo hướng đáp ứng nhu cầu thật cơ bản giữa các địa phương; điều chỉnh một số hệ số và điều hành hợp lý để có nhiều nguồn thu hơn.

Một số ý kiến khác cho rằng, bội chi ngân sách năm 2011 ở mức 5,5% GDP như dự kiến là quá cao, cần đưa về dưới 5% mới hợp lý và phải có giải pháp để bội chi giảm dần theo từng năm, không thể tăng theo từng năm như thời gian qua. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới cũng như thiên tai tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, cần lập dự phòng ngân sách cho năm 2011 để chủ động trong điều hành.

Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2011 là 45.000 tỉ đồng cũng thu hút được sự đồng tình của các ĐBQH. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị trước khi phát hành, Chính phủ cần báo cáo kết quả sử dụng trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua để QH đánh giá. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, tập trung đầu tư các nguồn vốn, trong đó có trái phiếu Chính phủ vào khu vực nông thôn, môi trường, và an sinh xã hội là điều rất cần thiết. Thực tế cho thấy, những chỉ tiêu kinh tế- xã hội không đạt kế hoạch thời gian qua chủ yếu rơi vào khu vực nông thôn và vấn đề môi trường. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị, cần kiểm soát chặt việc sử dụng trái phiếu Chính phủ, chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo hướng tiết kiệm triệt để. Vốn trái phiếu cần tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng vùng nông thôn, bảo vệ môi trường, hệ thống an sinh xã hội.

* Chiều 3-11, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay, trong đó tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường; tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để một số bất cập hiện nay. Cụ thể như: Số lượng các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong thời gian qua rất lớn (trên 100), trong đó có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo quy định hiện hành quá dễ dàng. Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về việc này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách lành mạnh, ổn định.

Nhiều ý kiến nhất trí việc bổ sung thêm các loại hình chứng khoán và giao Bộ Tài chính quy định các loại chứng khoán khác nhằm cập nhật những sản phẩm mới phát sinh theo tiến triển của thị trường, đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành thông suốt và hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật. Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình việc quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bảo đảm bình đẳng giữa các công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Theo Chương trình, sáng 4-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Cũng trong chiều 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo đánh giá của UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010 tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức, đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội đạt hiệu quả thiết thực, trong đó có một số điểm nổi bật: Hoạt động chất vấn được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị; đi sâu làm rõ thực chất những vấn đề lớn, bức xúc được dư luận xã hội và cử tri quan tâm. Hoạt động giám sát theo chuyên đề được tiến hành công phu, nội dung phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; thiếu những chế tài cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chịu giám sát...

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011 tại kỳ họp này.

Chia sẻ bài viết