18/12/2012 - 21:02

Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Những năm trước, giá lúa gạo thường tăng vào các tháng cuối năm do đây là thời điểm giáp hạt, trong khi doanh nghiệp cần một lượng hàng "gối đầu" để ký các hợp đồng xuất khẩu gạo cho đầu năm mới. Nhưng năm nay, thời điểm này giá lúa gạo trong nước lại có chiều hướng sụt giảm mạnh, doanh nghiệp gặp khó trong việc ký mới các hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm 2013…

Giá giảm

Hiện giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại ĐBSCL đã giảm từ 500-700 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng. Giá lúa thường và lúa hạt dài (khô) tại nhiều địa phương ở ĐBSCL hiện giảm chỉ còn 5.400-5.700 đồng/kg (đầu tháng 11-2012, giá ở mức 5.900-6.250 đồng/kg). Giá gạo nguyên liệu làm thành gạo 5% tấm từ 7.950 – 8.100 đồng/kg giảm xuống còn 7.300-7.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm thành gạo 25% tấm từ 7.800-7.900 đồng/kg còn 7.100-7.200 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, giá giảm do gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm và nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Indonesia… không nhiều như các tháng trước. Trong khi đó, một số nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (như Thái Lan) đang đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho. So với cách nay hơn 1 tháng, giá xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 30-40 USD/tấn. Hiện giá xuất khẩu gạo loại 5% tấm ở mức 410- 420 USD/tấn (giá FOB). Đây là mức giá chỉ còn cao hơn khoảng 15-20 USD/tấn so với thời điểm giá gạo xuất khẩu của nước ta xuống mức thấp nhất trong năm vào hồi tháng 7-2012.

Thu mua, chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Thời điểm này, lúa đông xuân 2012-2013 tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL mới sạ hoặc trong giai đoạn đẻ nhánh, trổ đồng. Chỉ một số địa phương vùng ven biển và các tỉnh có diện tích gieo sạ vụ lúa mùa (như: Kiên Giang, Bạc Liêu…) mới có lúa đang thu hoạch. Giá lúa gạo trong nước giảm dù chưa tác động nhiều đến nông dân trồng lúa trong vùng, nhưng không ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do còn lượng hàng tồn kho và ký mới các hợp đồng xuất khẩu không mấy thuận lợi. Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở TP Cần Thơ, xuất khẩu gạo năm 2013 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, thương lượng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nước ngoài, giá gạo giảm cũng làm doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan và khó ký được hợp đồng xuất khẩu giá cao trong năm mới. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An ở TP Cần Thơ cho rằng, gạo 5% tấm của nước ta đang có giá chỉ 420 USD/tấn nhưng khó xuất. Những khó khăn cho thị trường xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2013 khó tránh khỏi và nhiều nước nhập khẩu gạo đang tăng cường năng lực sản xuất lúa gạo trong nước để tự cân đối lương thực.

Năm 2012, giá gạo xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp nước ta giảm sâu từ việc cạnh tranh với các nước có sản lượng lúa gạo lớn và một số nước xuất khẩu gạo mới nổi như: Ấn Độ, Myanmar… Trong đó, gạo cấp thấp yếu thế khi chi phí sản xuất lúa gạo ở nước ta còn cao và phải qua nhiều khâu trung gian, nếu bán sản phẩm với giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh sẽ khó đảm bảo cho người nông dân trong nước có lợi nhuận.

Doanh nghiệp chủ động vùng nguyên liệu

Với những thách thức từ thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo TP Cần Thơ ngoài tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu còn chú trọng kỹ thuật sản xuất, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị ngành hàng gạo.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, năm 2012 giá gạo xuất khẩu chung bị sụt giảm mạnh nhưng nhờ đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất cùng một giống lúa cho ra sản phẩm gạo thơm cao cấp, gạo chất lượng cao mà giá xuất khẩu gạo của công ty vẫn giữ mức cao. Công ty đã xuất khẩu gạo thơm ST 20 giá 920 USD/tấn (FOB); gạo thơm KDM giá 830-870 USD/tấn; gạo thơm Jasmine 640 USD/tấn; gạo trắng 5% tấm (giống lúa OM 4900) giá 520 USD/tấn; gạo trắng 5% tấm (giống lúa OM 4218): 460 USD/tấn. Năm nay, dù giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng lợi nhuận đã tăng hơn 1,6 tỉ đồng so với năm 2011. Sang năm 2013, tình hình xuất khẩu gạo dự đoán có nhiều khó khăn nhưng với việc đi theo con đường phát triển xuất khẩu các loại gạo cao cấp, chất lượng cao, công ty tin trưởng sẽ tiếp tục gặt hái thành công.

Tăng cường liên kết với nông dân phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng ở nội địa cũng là hướng đi mà Công ty Cổ phần Gentraco ở TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh. Năm 2012, lượng gạo thơm được sản xuất kinh doanh tại công ty khoảng 36.000 tấn gạo thơm Jasmine và KDM, tăng 73% về sản lượng và 60% về kim ngạch xuất khẩu so với trước. Thị trường tiêu thụ cũng được phát triển mạnh ra nhiều nước trên thế giới như: Ukraina, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc… Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng các vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao với tổng diện tích gần 3.000 ha tại ĐBSCL, công ty còn mạnh dạn đầu tư thêm các nhà máy chế biến gạo hiện đại.

Ngành gạo hiện chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố, khó khăn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung. Trong chuyến khảo sát tình hình sản xuất của doanh nghiệp tại thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã chỉ đạo các cấp, các ngành thành phố, nhất là ngành công thương cần theo dõi sát sao tình hình, có sự hỗ trợ đúng lúc cho doanh nghiệp cũng như kịp thời có các kiến nghị về Trung ương để giúp tháo gỡ ngay các khó khăn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết