05/06/2024 - 09:17

Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản từ vùng biển cạn Kiên Giang

Cần giải pháp căn cơ cấp bách
Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản 

Có thể nói, so với các tỉnh khác, Kiên Giang cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý vùng biển. Do địa bàn quản lý rộng, có nhiều đảo, tàu thuyền phân tán ở các ngư trường khác nhau khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của Chi cục Kiểm ngư gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, mặc dù Kiên Giang là một trong số những tỉnh có số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản lớn nhất trong cả nước, song chủ yếu là tàu công suất còn nhỏ, khai thác ven bờ còn nhiều.

Tàu cá khai thác gần bờ là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang.

Thực tế cho thấy, hiện nay việc gia tăng tốc độ khai thác, đặc biệt là sự mất cân đối giữa hai lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ, chính là mối lo trong tương lai nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh, nhất là các nhóm cá nổi, cá tầng đáy, sẽ vĩnh viễn biến mất. Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hóa xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành khác, như du lịch, san lấp mặt bằng, lấn biển, khai thác, nuôi trồng... cũng góp phần làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản; thu hẹp, mất dần diện tích các rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, rạn san hô vốn là nơi sinh trưởng của các loài hải sản. Từ đó, nguồn lợi thủy sản vốn đã cạn kiệt, ngày càng trở nên cạn kiệt hơn, một số loài thủy sản có nguy cơ bị tuyệt chủng…

Trước tình trạng này, để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, thực sự là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dựng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ðồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thủy sản, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các tầng lớp nhân dân…

Với những gì đã, đang diễn ra trên vùng biển Kiên Giang, nhất là ở vùng biển cạn đang ngày càng cạn kiệt, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề khai thác thủy sản tỉnh theo hướng bền vững. Theo đó, Kiên Giang sẽ thực hiện cắt giảm số tàu cá theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2023-2025, sẽ tập trung cắt giảm các tàu có chiều dài dưới 12m hoạt động các nghề có tính chọn lọc thấp, như lưới kéo, các nghề khác như lồng, lú, cào sò… Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục thực hiện cắt giảm các tàu có chiều dài dưới 12m và cắt giảm tàu có chiều dài từ 12-15m, tàu có chiều dài từ 15m trở lên làm các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, các tàu có tuổi đời trên 15 năm theo lộ trình chuyển đổi của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Tại hội nghị phát triển bền vững nuôi biển nhìn từ Quảng Ninh được tổ chức đầu tháng 4-2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Khai thác tận diệt là nỗi đau của kinh tế biển. Do đó, nuôi biển không chỉ là nuôi tôm, cá mà còn nuôi sinh thái biển, trả lại cho biển những gì đã khai thác quá mức để thế hệ mai sau còn có tài nguyên".

Những năm tiếp theo, Kiên Giang chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, dần từng bước xóa bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sử dụng chất nổ, xung điện. Ðối với nghề lưới kéo, trong giai đoạn 2023-2030, Kiên Giang không cấp văn bản chấp thuận đóng mới và mua, bán tàu từ tỉnh khác về làm nghề lưới kéo, hướng đến hết năm 2030 các tàu có chiều dài dưới 15m làm nghề lưới kéo chuyển đổi sang nghề lưới vây và nghề câu. Ðối với nghề lưới vây chú trọng đến các loại lưới vây thưa, vây ngoài khơi để đánh bắt cá nổi lớn. Khuyến khích phát triển mạnh nghề câu, nhất là câu khơi để đánh bắt các loại cá lớn, có giá trị kinh tế cao hướng đến xuất khẩu, không phát triển nghề lưới rê.

Ðể kiểm soát cường lực khai thác và ngư cụ khai thác của các tàu cá, bảo vệ nguồn lợi khai thác, Kiên Giang tăng cường công tác quản lý đội tàu, kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán, cấp phép khai thác trên cơ sở xây dựng cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp, phân bổ hạn ngạch khai thác hải sản phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản tại các vùng biển. Ðặc biệt đối với nhóm tàu không đăng ký, đăng kiểm, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ về loại nghề, quản lý chặt chẽ các phương tiện này, kết tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng để bù đắp sản lượng khai thác sụt giảm. Năm 2024, tỉnh có kế hoạch về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn, giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước, sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với kinh nghiệm sản xuất được tích lũy bao đời nay và định hướng phát triển đúng đắn, hy vọng tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang sẽ từng bước được khắc phục.

LÊ SEN - PHƯƠNG ANH

 

Chia sẻ bài viết