04/08/2022 - 22:05

Cần định hướng xây dựng phần mềm chung thay thế tất cả các phần mềm đang sử dụng tại hệ thống y tế cơ sở 

(CT) - Chiều 4-8, ngành Y tế TP Cần Thơ tổ chức hội thảo chuyên đề chuyển đổi số (CĐS), bàn về các giải pháp thúc đẩy tiến trình CĐS của ngành. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu thành phố chia sẻ năng lực chuyển đổi số của BV tại hội thảo.

Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu thành phố chia sẻ năng lực chuyển đổi số của BV tại hội thảo.

Thành phố định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành nền y tế thông minh với 3 nền tảng: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng. Ngành Y tế Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động cần thiết để bước đầu CĐS và thực hiện Đề án 08-ĐA/TU của Thành ủy Cần Thơ về việc xây dựng y tế thông minh. Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ngành Y tế đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin để theo dõi, tổng hợp, giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời đề ra các giải pháp phòng, chống dịch. 

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu CĐS nêu trên, ngành Y tế thành phố đối mặt với rất nhiều khó khăn về cả nền tảng công nghệ số và nguồn nhân lực. Các đơn vị y tế từ tuyến thành phố đến tuyến cơ sở đều gặp khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng. Các đơn vị triển khai rất nhiều phần mềm chồng chéo về cơ sở dữ liệu. Đa phần cán bộ y tế chỉ có trình độ tin học văn phòng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên thay đổi vị trí công tác. Tại hội thảo, đại diện Viettel, FPT, Infomed, Medpro và Công ty DH… đã chia sẻ các hệ sinh thái giải pháp giúp ngành Y tế thành phố thực hiện CĐS.

Ông Nguyễn Thực Hiện yêu cầu ngành Y tế và các sở, ngành liên quan sớm triển khai đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư, sớm có chính sách cho đội ngũ nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin của ngành, đồng thời đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, ngành Y tế cần sớm triển khai thực hiện các hoạt động ưu tiên như đã định hướng, trong đó đặc biệt chú trọng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, định hướng xây dựng phần mềm chung thay thế tất cả các phần mềm đang sử dụng tại hệ thống y tế cơ sở; tham mưu định hướng triển khai bệnh án điện tử, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố hỗ trợ ngành Y tế trong việc bố trí vốn, ngân sách phục vụ CĐS. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục hỗ trợ ngành Y tế trong việc xây dựng phần mềm quản lý cũng như phần mềm triển khai bệnh án điện tử, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến. 

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết