03/05/2012 - 20:52

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần định hướng để phát triển chăn nuôi thủy cầm bền vững

Chăn nuôi gia cầm theo mô hình sinh học - hướng nghề nuôi, chế biến gia cầm theo hướng bền vững. Ảnh: ANH KHOA 

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên các đàn gia cầm, thủy cầm diễn biến hết sức phức tạp, gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý, phát triển nghề chăn nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì vậy, phát triển nghề chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững rất cần định hướng, quy hoạch và tái cơ cấu ngành nghề theo hướng quy mô, hiện đại hơn.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh

Khu vực ĐBSCL có điều kiện sinh thái đa dạng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, song song đó là diện tích sản xuất lúa gần như khép kín quanh năm nên người chăn nuôi tận dụng nguồn nước, thức ăn tự nhiên, rơi vãi tại ruộng trong quá trình thu hoạch lúa để phát triển đàn gia cầm, trong đó chăn nuôi vịt chiếm vị trí chủ yếu, khá hiệu quả. Đơn cử như Trà Vinh, nuôi vịt đàn đã trở thành nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 4 triệu con vịt. Tuy nhiên, đàn vịt của tỉnh chủ yếu là vịt thả đồng nên khả năng kháng thể với dịch bệnh rất yếu và công tác kiểm soát dịch bệnh vì thế cũng rất khó khăn. Tương tự là các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang... có đàn thủy cầm, nhất là vịt thả đồng rất lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Bộ phận thường trực Nam bộ, phụ trách khuyến nông, chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhìn nhận: Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, đặc biệt, chăn nuôi vịt là nghề truyền thống, nguồn thu nhập chính của phần lớn nông dân. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vịt đồng thời gian qua kiểm soát không chặt chẽ, khi có dịch bệnh rất dễ làm lây lan, phát tán mầm bệnh ra môi trường nhanh và nghiêm trọng. Theo Cơ quan Thú y vùng VII, trong nhiều năm trở lại đây, khu vực ĐBSCL đều xảy ra cúm gia cầm. Đơn cử năm 2011, có 5/13 tỉnh xảy ra dịch với số gia cầm mắc bệnh chết trên 14.840 con và 34.682 con tiêu hủy; từ đầu năm đến nay, khu vực ĐBSCL có 6/13 tỉnh xảy ra cúm gia cầm với 983 con chết và 3.077 con bị tiêu hủy. Trong các tỉnh có dịch bệnh có 3 tỉnh liên tục 2 năm gần đây đều xảy ra dịch là Cà Mau, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Điều đó cho thấy nghề nuôi thủy cầm hiện còn tiềm ẩn nhiều mối nguy; trong đó dịch bệnh, nhất là dịch cúm A H5N1 luôn là nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm.

Chuyển dịch phương thức chăn nuôi

Chăn nuôi thủy cầm chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Nam bộ nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng. Loài vật nuôi này mang lại công ăn, việc làm và nguồn thu nhập chính cho hàng chục ngàn hộ nông dân, nhất là nông dân nghèo tại các địa phương. Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn thủy cầm cả nước thời gian qua tăng trưởng mạnh từ 66,2 triệu con năm 2008 lên trên 72,5 triệu con năm 2011. Riêng khu vực ĐBSCL trung bình mỗi năm tăng khoảng 12,4%, từ trên 21 triệu con năm 2006 lên trên 67,5 triệu con năm 2012. Đàn thủy cầm của khu vực chiếm từ 41% so với tổng đàn thủy cầm của cả nước.

Những năm gần đây, khi tình hình dịch cúm gia cầm liên tục bùng phát, trong đó xảy ra chủ yếu ở các đàn vịt chạy đồng khiến người chăn nuôi phải xem lại mô hình chăn nuôi bền vững hơn. Theo đó, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều phương thức đổi mới trong chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp khiến nghề nuôi vịt chạy đồng, hộ gia đình giảm dần số đàn lẫn sản lượng vịt thịt. Đơn cử như các tỉnh Tiền Giang giảm từ 1.089 hộ (năm 2010) xuống 699 hộ (năm 2011), Bến Tre từ trên 11.118 hộ xuống còn 8.708 hộ, An Giang từ 2.461 hộ xuống 1.763 hộ... Bên cạnh đó, số hộ chăn nuôi theo phương thức công nghiệp năm 2010 chỉ 1942 hộ nhưng đến nay trên 2.114 hộ (tăng 8,9%).

Mặt khác, theo nguồn từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực ĐBSCL, số vịt chạy đồng xa cũng đã giảm đáng kể. Các hộ chăn nuôi vịt thả đồng chủ yếu thả nuôi trên địa bàn trong xã hoặc cùng huyện. Chính điều đó cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi vịt theo hướng quy mô, công nghiệp khi lượng vịt chạy đồng giảm nhưng tổng số lượng vịt, đàn vịt chung vẫn tăng rất mạnh.

Tái cơ cấu theo hướng bền vững

Tuy có sự phát triển rất nhanh nhưng công tác quản lý loại hình chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác phòng chống dịch bệnh nhiều lúc nhiều nơi còn sơ hở. Ý thức của người dân một số nơi chưa cao, chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ với quy mô vài chục con còn phổ biến, tiêm phòng hạn chế. Bên cạnh đó, việc quản lý vận chuyển đàn, quản lý ấp nở gia cầm còn hạn chế; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm soát mua bán vẫn chưa theo kịp yêu cầu đặt ra.

Do đó, trong chiến lược tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm nói chung, thủy cầm nói riêng, chăn nuôi vịt vẫn là lĩnh vực tiếp tục được ưu tiên phát triển tại các tỉnh ĐBSCL. Theo đó, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại hoặc chăn nuôi có kiểm soát chặt sẽ giúp tăng năng suất và hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh. Theo Cục Thú y đề xuất, việc duy trì tổng đàn vịt thường xuyên mức từ 35-40 triệu con tại khu vực Nam bộ là mức hợp lý. Bên cạnh, khuyến khích và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn giúp nâng cao hơn giá trị gia tăng từ đàn vịt mang lại.

Để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đề xuất 7 nhóm giải pháp chính. Trong đó, tập trung việc xác định rõ vùng ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung và vùng hạn chế chăn nuôi để có sự đầu tư, quản lý trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp để cải thiện công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, quản lý, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn, di dời các hộ chăn nuôi, ấp trứng ra khỏi khu dân cư, đến các vùng quy hoạch tập trung; chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi nhỏ lẻ... Song song đó, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc hơn Quyết định 1405/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn nhằm đảm bảo công tác quản lý, phát triển chăn nuôi đàn thủy cầm theo hướng hiện đại, chặt chẽ và bền vững hơn. Việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hành chăn nuôi an toàn, áp dụng các chuẩn chăn nuôi gia cầm bên cạnh giám sát dịch tể đối với các bệnh truyền nhiễm trên gia cầm, thủy cầm, đặc biệt là cúm A H5N1 có vai trò then chốt giúp nghề nuôi, chế biến gia cầm, thủy cầm khu vực ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.

NGUYỄN HUỲNH

Chăn nuôi gia cầm theo mô hình sinh học - hướng nghề nuôi, chế biến gia cầm theo hướng bền vững. Ảnh: ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết