01/03/2014 - 20:30

Can đảm hay nhảm nhí?

Biến người chơi thành tấm ván phóng dao – phần thi bạo lực và bất nhẫn trong "Đố ai hát được". Ảnh: VTV.VN

Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhiều chương trình truyền hình thực tế với mục đích thử thách lòng can đảm, sự gan dạ của người chơi. Nhưng qua nhiều chương trình đã phát sóng, người xem khó chịu bởi sự phản cảm, nhảm nhí và vô bổ.

Hiện tại, có 3 chương trình có format gần giống nhau là "Đố ai hát được" phát trên kênh VTV3, "Tôi dám hát" và "Dám làm không" phát sóng trên kênh VTV6. Theo đó, người chơi sẽ phải trình bày một ca khúc nào đó nhưng đồng thời phải trải qua những thử thách khó hiểu như: bắt rắn, ếch; bị tạt hơi cay, tiêu vào mặt; ngâm mình trong nước đá…

Chương trình "Đố ai hát được" phát trên kênh VTV3 lúc 20 giờ thứ bảy hằng tuần đang bị nhiều khán giả phản ứng bởi một gameshow "siêu nhảm" lại được phát sóng giờ vàng. Thí sinh phải chịu đựng những trò phản cảm như vừa hát vừa bị ngâm mình vào một thùng nước đầy ếch, rắn, cá sấu con hoặc giẫm chân trần lên một đàn thằn lằn sống hay nội tạng động vật hoặc biến thí sinh thành bao cát để võ sĩ đấm bốc… Trò "độc quyền" của chương trình càng khiến người xem chết khiếp: ca sĩ Anh Khoa trong vai trò dẫn chương trình phóng dao vào tấm ván trên đó "treo" thí sinh đã bị bịt mắt. Tấm khiên quay, những quả bóng quanh mình thí sinh bị phóng dao nổ bôm bốp, mà thí sinh vẫn phải hát (!!!).

Chương trình "Tôi dám hát" phát lúc 21 giờ thứ tư hằng tuần trên kênh VTV6, các trò thử thách thí sinh không kém gì thời trung cổ. Hàng chục con trăn, con rắn quấn lấy người chơi trong tiếng la hét kinh hoàng; chích điện vào người chơi để họ "tăng… tăng…". Hay trong các tập phát sóng của "Dám làm không" (phát lúc 21 giờ 40 phút thứ ba hằng tuần trên kênh VTV6), không hiểu ban tổ chức muốn nói lên điều gì khi cho thí sinh thi nhau… uống bia, bốc vỏ đậu phộng bằng miệng rồi cho vào tô …

Đa phần người chơi là các ca sĩ trẻ, họ "chịu đấm ăn xôi" để được nổi tiếng. Tuy nhiên, người xem vẫn cảm thấy bất nhẫn với thái độ của ban tổ chức khi mua vui bằng những trò hành hạ người khác. Phản cảm làm sao, trong khi người chơi khóc thét kinh hoàng thì thì giám khảo và khán giả lại cười khoái chí. Sau phần chích điện người chơi trong "Tôi dám hát" đến nỗi cô bé này khi kết thúc chương trình vẫn còn run bần bật, giám khảo vẫn nhận xét rằng họ chưa được thăng hoa vì: "Người chơi vẫn còn né tránh thử thách". Hay khi thí sinh bị té, T. - giám khảo "Tôi dám hát" đã cười phá lên rồi nói: "Thấy bạn té ạch mặt, tôi sướng gì đâu!".

Quả thật, khó mà hiểu được mục đích của các chương trình này khi thử thách là những trò tra tấn, hù dọa. Thí sinh thì không phải hát mà la hét một cách phản cảm, lố bịch. Sẽ ra sao khi trẻ con "thưởng thức" những màn tra tấn lẫn nhau của người lớn. Các em sẽ nghĩ gì về bài học tình thương, lòng nhân ái qua những tràng cười của giám khảo?

Đành rằng, muốn thu hút khán giả thì chương trình truyền hình thực tế phải tạo được sự độc đáo, mới lạ nhưng cũng cần quan tâm đến yếu tố giải trí lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết