23/12/2012 - 16:01

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm 2013

Cần đảm bảo ổn định chất lượng và sản lượng

hình cánh đồng mẫu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo
chất lượng cao.

Đó là nhận định của ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) về tình hình xuất khẩu gạo năm 2013. Ông Lâm Định Quốc chia sẻ:

- Đến đầu tháng 12-2012, số hợp đồng thương mại chuyển sang năm 2013 chỉ còn khoảng 400.000 tấn, tức giảm phân nửa so với cùng kỳ 2011. Nhưng các hợp đồng tập trung thì vẫn chưa được ký mới. Trong khi đó, quý I là thời điểm các tỉnh ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân nên dù lượng gạo tồn kho chuyển sang 2013 chỉ khoảng 600.000 tấn (giảm 1/2 so với năm 2012) nhưng áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa vẫn rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là nhiều khả năng Thái Lan sẽ xả hàng tồn kho theo các hình thức như: bán trả chậm, đổi hàng hoặc hạ giá vào đầu năm 2013. Cùng với đó, Ấn Độ cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ là những trở ngại cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Do đó, theo dự báo, tình hình xuất khẩu trong quý I/2013 sẽ không ít khó khăn.

* Vậy Hiệp hội đã có những đối sách gì để giữ vững thị trường cũng như đảm bảo giá xuất khẩu có lợi cho nông dân?

-Từ năm 2012, Hiệp hội đã chỉ đạo các thành viên đẩy mạnh bán gạo cấp cao 5-10% tấm cho một số nước châu Phi vốn là bạn hàng truyền thống của Thái Lan trước đây. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm khoảng 50 USD/tấn so với tháng 11-2012 nên gạo 5% tấm của Việt Nam hiện chỉ được doanh nghiệp nhập khẩu trả mua với giá 400 USD/tấn. Đây mới chính là áp lực lớn trong tiêu thụ lúa hàng hóa nên Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2012 - 2013 để làm cơ sở cho giá thu mua tạm trữ. Vì nếu không tạm trữ kịp thời, rất dễ bị các doanh nghiệp nhập khẩu ép giá. Giá gạo Thái Lan luôn cao hơn gạo Việt Nam và thương nhân Trung Quốc bao giờ cũng tìm nơi nào có giá thấp nhất để nhập khẩu. Nên việc Thái Lan ký kết ghi nhớ cung ứng gạo cho Trung Quốc trong năm 2013 cũng không có gì đáng lo.

* Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn và hiện giá thành sản xuất lúa gạo nước này cao! Phải chăng, đây vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất gạo của Việt Nam trong năm 2013, thưa ông?

-Mới đây, Hiệp hội cũng đã thăm dò thị trường Trung Quốc và nhận thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo là rất lớn vì hiện giá trong nước Trung Quốc đã cao hơn Việt Nam từ 20-30%, nên hy vọng lượng gạo xuất sang thị trường này năm 2013 sẽ cao hơn. Chỉ tính riêng tỉnh Vân Nam, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo của tỉnh này đã vào khoảng 1,5 triệu tấn gạo. Cũng trong chuyến khảo sát vừa qua, Công ty Lương thực Sóc Trăng đã ký bản ghi nhớ cung ứng 100.000 tấn gạo cho một doanh nghiệp nhập khẩu ở tỉnh này. Năm 2012, chúng ta cũng đã ký kết hợp đồng bán gạo cho Trung Quốc được 1,9 triệu tấn, nhưng đây vẫn là một thị trường rất khó đoán và như trên tôi đã nói, các thương nhân Trung Quốc bao giờ cũng tìm nơi nào có giá thấp nhất để nhập khẩu.

* Thưa ông, vậy còn nhu cầu cũng như thị trường gạo thơm thế giới ra sao?

-Giá một số loại gạo thơm hiện đang xuống, nhưng chỉ là tạm thời vì gạo thơm có thể tăng giá bất kỳ lúc nào do sản lượng chủng loại gạo này không nhiều. Vấn đề là chúng ta cần đảm bảo ổn định chất lượng và sản lượng, thông qua đầu tư liên kết với mô hình cánh đồng mẫu lớn. Điều này sang năm 2013 sẽ thuận lợi hơn. Do phần lớn doanh nghiệp đều đã đầu tư nhà kho, lò sấy, hệ thống xay xát, đóng gói hoàn chỉnh. Riêng Công ty Lương thực Sóc Trăng, khoảng giữa tháng 2-2013 sẽ đưa vào hoạt động kho chứa và nhà máy xay xát ở Ngã Năm để đáp ứng nhu cầu thu mua, chế biến gạo thơm xuất khẩu. Trước mắt, Công ty đang thực hiện hợp đồng đầu tư, bao tiêu khoảng 400ha lúa ST20 tại huyện Ngã Năm theo hình thức ứng trước giống cho nông dân tới cuối vụ thu mua lại sản phẩm mới thu tiền lúa giống.

* Năm 2012 sắp kết thúc với tổng lượng gạo xuất khẩu vượt xa hơn dự kiến. Ông có nhận định gì về kết quả này?

-Chúng ta đã vượt chỉ tiêu tổng sản lượng xuất khẩu, nhưng về giá trị và hiệu quả thì vẫn còn khá thấp so với 2011. Bình quân giá gạo trong năm 2012 giảm khoảng 85 USD/tấn so với năm 2011, thậm chí có thời điểm giảm đến 150 USD/tấn nên có đến 40-50% doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị lỗ, do tồn kho lớn với giá cao từ cuối năm 2011 chuyển sang. Số còn lại lợi nhuận cũng rất thấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những thuận lợi nhất định, nhất là từ chính sách thu mua tạm trữ kịp thời từ Chính phủ nên đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Mặt khác, chính sách bảo hộ giá lúa gạo trong nước của Thái Lan đã giúp giá gạo 5% tấm của Việt Nam gần như chiếm lĩnh được thị trường truyền thống của Thái Lan. Nếu như trong những năm trước, lượng gạo 5% tấm chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, thì đến năm 2012, gạo 5% tấm chiếm khoảng 50%. Không xuất khẩu được nhiều gạo cấp thấp, nhưng bù lại, ta chuyển sang xuất khẩu một lượng lớn tấm cho Trung Quốc và cả Thái Lan. Riêng Công ty Lương thực Sóc Trăng, tổng lượng gạo bán ra trong năm đạt 192.000 tấn, tăng trên 40% so với năm 2011; trong đó, lượng xuất khẩu 95.000 tấn, tăng 20% so với năm 2011 và trong số này có khoảng 20.000 tấn là gạo thơm.

* Xin cảm ơn ông !

Bài, ảnh: Xuân Trường (thực hiện)

Chia sẻ bài viết