18/08/2016 - 20:57

Cần cái bắt tay chặt giữa sản xuất và tiêu thụ

Có một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng bất an trước thông tin thực phẩm bẩn tràn lan, thì những sản phẩm được chứng nhận sạch, an toàn lại khó tiêu thụ. Nghịch lý trên vẫn hiển nhiên tồn tại chỉ bởi do ách tắc ở khâu kết nối cung cầu.

Thực phẩm bẩn đã được nói đến nhiều, với "muôn hình, vạn trạng", nên thiết nghĩ không cần phải bàn nhiều nữa, mà vấn đề ở đây là vì sao những sản phẩm nông sản sản xuất theo quy trình an toàn, sạch và thậm chí là cả hữu cơ nữa vẫn chưa có được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường? Đây mới là nút thắt chính của vấn đề! Bởi một khi, sản phẩm sạch, an toàn được người tiêu dùng quan tâm tiêu thụ nhiều hơn, những loại sản phẩm bẩn tự khắc sẽ không còn đất để tồn tại.

Khách hàng mua rau củ tại một cửa hàng chuyên cung cấp rau củ quả an toàn trên đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: M.HOA 

Cách đây hơn mười năm, chương trình sản xuất rau an toàn theo quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) được ngành nông nghiệp chuyển giao cho hộ nông dân, câu lạc bộ (nay là tổ hợp tác) hay hợp tác xã áp dụng khá thành công. Một trong những hiệu quả lớn nhất của chương trình này chính là giúp nông dân hạn chế rất nhiều việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thông qua việc quản lý tốt hệ sinh thái đồng ruộng.

Những sản phẩm rau màu sản xuất an toàn ngay từ khi xuất hiện trên thị trường đã không thể chen chân với "một rừng" sản phẩm rau màu sản xuất theo truyền thống có màu sắc và giá bán cạnh tranh hơn. Đơn giản chỉ vì người tiêu dùng chỉ thích "ngoại hình" hơn là phẩm chất bên trong của sản phẩm. Vậy là các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất rau an toàn cứ thu hẹp dần và gần như không còn nghe nhắc đến. Ngay cả thời gian gần đây, việc tái khởi động các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là đầu ra của sản phẩm. Điều này cho thấy, đối với nông dân, việc làm ra sản phẩm an toàn, hay sản phẩm sạch và thậm chí là sản phẩm hữu cơ là không khó. Nhưng, cái khó lớn nhất đối với họ chính là ở thị trường tiêu thụ. Thử nghĩ xem, một sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP mà giá bán chỉ bằng sản phẩm thông thường, thậm chí đôi lúc còn thấp hơn thì làm sao nông dân có thể chấp nhận được vì họ phải tốn nhiều công sức và chi phí sản xuất hơn. Nhưng vì sao những sản phẩm được chứng nhận là sạch, là an toàn lại ít được người tiêu dùng sử dụng đến vậy? Đây là nút thắt lớn nhất, mà nếu gỡ được sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn mà các ngành chức năng đang dốc sức thực hiện.

Thực tế cho thấy, ngay từ khi mới xuất hiện trên thị trường, người sản xuất sản phẩm an toàn, sạch đã quá kỳ vọng vào một mức giá khác biệt có ý nghĩa với sản phẩm truyền thống, nên khó thu hút được người tiêu dùng quan tâm. Đến khi cả 2 mức giá được điều chỉnh ngang nhau thì người tiêu dùng lại hoài nghi về chất lượng của sản phẩm có chứng nhận an toàn hay sạch.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tất cả nguyên nhân trên chỉ là phần ngọn, còn gốc của vấn đề chính là thiếu sự liên kết giữa người sản xuất (nông dân) với người kinh doanh (doanh nghiệp, hộ kinh doanh). Nông dân không thể quảng bá hay bán sản phẩm của mình trực tiếp đến người tiêu dùng được, mà cần có một đối tác trung gian và đó không ai khác chính là doanh nghiệp. Chỉ có liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, mới giúp sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng, để người tiêu dùng có thể nhận diện, tin tưởng và chấp nhận tiêu thụ. Điều này chỉ có doanh nghiệp mới có thể thực hiện được.

Vấn đề kỹ thuật để có sản phẩm sạch, an toàn giờ đã không còn là bài toán khó, mà cái khó lớn nhất chính là ở giải pháp đầu ra. Do đó, nếu chỉ tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật là chưa đủ. Cần có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong sản xuất nông sản sạch, an toàn. Bởi chỉ có doanh nghiệp mới đủ khả năng đưa sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng từng bước nhận diện được đâu là sản phẩm tốt nhất mà mình cần đến. Mọi sản phẩm đều có kênh phân phối, tiêu thụ riêng của nó và tất cả chỉ hoàn hảo khi có sự bắt tay liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp.

HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết