26/08/2010 - 21:10

Cần biết về "trúng phong"

* BS HỨA TẤN SỬ
Sở Y tế tỉnh Trà Vinh

Thuật ngữ trúng gió (hay trúng phong) tồn tại trong dân gian từ khi nền y học còn rất sơ khai. Người dân thường xử trí khi có người bị trúng phong bằng cách bắt gió, cạo gió, giác hơi… Nhưng theo y học, trúng phong mà dân gian gọi có thể là những bệnh rất nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, u não, sốt cao co giật ở trẻ nhỏ… Cách xử trí theo dân gian có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, có trường hợp đưa đến tử vong.

Bệnh nhân bị trúng phong liệt một chân được điều trị vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Trà Vinh. Ảnh: Q.V

Thấy một người nào đó đột ngột đột quỵ trong lúc đi tắm hay đi tiêu, liệt tứ chi, liệt một tay một chân, miệng méo, mắt xệch... dân gian đều quy đó vào chứng trúng gió. Trúng gió mà trong dân gian hay sử dụng theo y học cổ truyền (YHCT) gọi là trúng phong mà nguyên nhân gây bệnh là do 6 thứ tà khí (lục dâm) xâm nhập vào dinh vệ, kinh lạc, tạng phủ người bệnh.

Sáu thứ tà khí gây bệnh là phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Tùy mỗi loại tà khí xâm nhập vào cơ thể mà có thể gây bệnh ở các mức độ khác nhau, có thể tạm chia thành ba mức độ: nhẹ thì gây cảm phong hàn, cảm phong nhiệt hay thương phong hàn; nặng hơn gây bệnh trúng phong hàn, phong nhiệt và nặng hơn nữa là trúng phong tạng phủ.

Cảm thương hàn theo YHCT, hàn tà chỉ mới xâm nhập vào bì mao, dinh, vệ bệnh còn ở biểu (bên ngoài), do chính khí suy tà khí xâm nhập vào chưa làm tổn thương đến tạng phủ (bên trong) cơ thể mà có những biểu hiện: ớn lạnh, sợ gió, hắt hơi, ngạt mũi... Thông thường dân gian có bài thuốc truyền miệng bát cháo hành thêm vào ít tiêu và một trứng hột gà ăn lúc nóng làm ấm cơ thể, vã mồ hôi, đầu nhẹ hẳn, người thấy sảng khoái. Cũng có thể làm ấm cơ thể bằng cách đánh gió bằng một miếng gừng tươi với ít dầu tràm, sau đó trùm mền nằm nghỉ, cơ thể vã mồ hôi ra người thấy khỏe, bệnh cũng lui dần. Nhưng có người thì bệnh không khỏi, tại sao? Do cơ thể của bạn phần dương hay phần âm hoặc khí huyết bị suy kém hơn nên cần phải bồi dưỡng khí huyết thì âm dương thăng bằng trở lại bệnh tật sẽ lui. Về “đánh gió, cạo gió”, một số người có quan niệm bị cảm phải cạo gió cho ra hết gió. Thật ra không phải, chỉ nên đánh gió cho ấm cơ thể, không nên cạo gió cho hết gió trong người.

Còn luận về trúng phong kinh lạc, bệnh chỉ biểu hiện ở kinh lạc: sáng ngủ dậy thấy miệng méo, mắt xệch hay sau đi làm gặp phải cơn mưa về thấy đau từ lưng dọc xuống chân... Theo YHCT gọi là trúng phong kinh lạc, còn y học hiện đại thường chẩn đoán liệt dây thần kinh số VII ngoại biên hay viêm thần kinh tọa.

Tà khí trực trúng vào tạng phủ biểu hiện chứng: đột quỵ, liệt tay chân, miệng méo, co giật, sùi bọt mép, đau bụng tiêu chảy... khi đó gọi là trúng phong tạng phủ. Khi thấy người bị trúng gió bà con thường cạo gió, bắt gió, cắt gió nhất là bị trúng gió nặng thì cạo gió nhiều hơn và cạo nhiều nơi hơn trên cơ thể, nhất là vùng 2 bên cổ. Theo y học hiện đại những trường hợp đột quỵ đa số là bị tai biến mạch máu não mà có nguyên nhân do cao huyết áp kèm theo xơ vữa động mạch. Vì vậy, trường hợp này đánh gió, bắt gió 2 bên cổ vô tình tác động đến 2 động mạch cảnh; nếu có mảng xơ vữa do mỡ trong máu hình thành có thể làm cho mảng xơ vữa di chuyển lên não gây tắc mạch máu não bệnh càng nặng hơn. Do đó, không nên cạo gió, bắt gió trong trường hợp này.

Làm sao để tránh được bệnh trúng gió? Muốn phòng tránh bệnh thì phải rèn luyện tinh thần và thể chất. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng muốn có sức khỏe tự bản thân phải rèn luyện, gìn giữ bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví dụ: Sáng tập thể dục, tập dưỡng sinh, ăn uống điều độ, giữ trọng lượng cơ thể cân xứng với chiều cao, tránh căng thẳng quá mức (tránh stress)...

Chia sẻ bài viết