27/04/2013 - 21:56

Cân bằng đối trọng

Thủ tướng Shinzo Abe đang bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản trong vòng một thập niên qua. Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng chuyến đi này là cơ hội để lãnh đạo hai nước tìm kiếm các phương hướng cân bằng quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc đang "phát triển hòa bình" bằng những cách đáng lo ngại.

Trên thực tế, giữa Nga và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo mà Mát-xcơ-va gọi là quần đảo Nam Kuril còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, gần giống cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường đầu tư hàng đầu của Nhật Bản, khiến Tokyo phải thận trọng, không thể làm căng trong xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo với Bắc Kinh. Vì thế, để giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đông người tiêu dùng, Nhật Bản cần mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng khác như Nga.

Đây là lý do ông Abe mời một đoàn doanh nghiệp tháp tùng quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử công du Nga của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, với 120 đại diện của hơn 40 công ty, tập đoàn kinh tế. Một trong những thỏa thuận quan trọng được ký kết giữa Nga và Nhật Bản trong chuyến đi này của ông Abe là thành lập quỹ đầu tư chung ban đầu trị giá 1 tỉ USD và có thể tăng lên gấp 10 lần trong vòng 2 hoặc 3 năm tới, theo giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga.

Theo ông Shigeki Hakamada, một chuyên gia về Nga của Đại học tỉnh Niigata (Nhật Bản), điều quan trọng đối với Nhật Bản là phải có một mối quan hệ tốt với Nga trong bối cảnh quan hệ với các nước láng giềng không được thuận lợi. Ngược lại, ông cũng cho rằng Nga cần công nghệ của Nhật Bản nhằm đa dạng hóa nền kinh tế quá phụ thuộc vào năng lượng, đồng thời hy vọng tầm ảnh hưởng của Tokyo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên nhằm đối trọng lại sự vươn lên quá mạnh và tham vọng đáng quan ngại của Bắc Kinh.

Và dĩ nhiên, phía Nhật Bản đang kỳ vọng vào lập trường sẵn sàng thỏa hiệp của Tổng thống Vladimir Putin, người đã từng bật tín hiệu muốn tái đàm phán vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Tokyo trong cuộc điện đàm với ông Abe hồi năm ngoái.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết