18/11/2008 - 09:30

Đọc “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông”

Cảm xúc lạc quan về tình yêu và cuộc sống

“Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” gồm 14 truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Lê Minh Khuê được NXB Curbstone Press (Mỹ) tuyển chọn và dịch sang tiếng Anh trong tuyển tập có tựa đề “The stars, the earth, the river” năm 1995. “The stars, the earth, the river” còn đoạt giải thưởng văn học Byeong Ju Lee (*) của Hàn Quốc 2008. Tháng 10-2008, NXB Phụ Nữ xuất bản “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” để đáp ứng yêu cầu độc giả.

Tựa “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” đã khái quát chủ đề chung của 14 truyện ngắn trong sách.

 

“Những ngôi sao” ấy là những người trẻ mang cả tuổi xuân đi qua chiến tranh – mà ở đây là các cô gái thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ trong các truyện “Những ngôi sao xa xôi”, “Bầu trời trong xanh”, “Một ngày đi trên đường”, “Mong manh như là tia nắng”. Những câu chuyện được viết lên chân thực và xúc động về một thời chiến tranh khốc liệt bởi nhà văn cũng là người trong cuộc. Chị tham gia thanh niên xung phong từ năm 16 tuổi và một thời tuổi trẻ dưới đạn bom. Truyện của Lê Minh Khuê có những trang viết dồn nén dồn dập đầy bom đạn, gian khổ, hy sinh; có những trang viết đậm cảm giác bức bối, căng thẳng và cô đơn của những cô gái thanh niên xung phong giữa chiến trường; cũng có những phút giây rộn rã khi đoàn xe bon bon qua con đường được hình thành từ mồ hôi và cả máu của các cô gái; có những khoảng lặng khi các cô gái mơ về cuộc sống bình yên, hoặc nuối tiếc bâng khuâng về tình yêu nào đó đã qua. Vượt lên trên bom đạn, số phận con người, dường như tác giả đã truyền cho người đọc niềm tin: “Họ không nói một lời về chiến tranh và tôi khâm phục nhìn họ. Tôi biết không ai quên những gì đã trải qua dạo ấy. Nhưng họ còn trẻ. Và những gì họ trải qua chỉ làm họ mạnh thêm thôi. Cuộc sống còn thật dài phía trước” (trang 138, trích từ truyện “Một ngày đi trên đường”).

Trái đất tượng trưng cho cuộc sống thực – cuộc sống thời hậu chiến với đói nghèo làm xói mòn cuộc sống lẫn tâm hồn của nhiều người; sự tan vỡ của các giềng mối gia đình và xã hội khi chuyển sang xã hội tiêu thụ. Nhiều truyện để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như “Đồng đôla vĩ đại”, “Mưa”, “Một buổi chiều thật muộn”, “Ký sự những mảnh đời trong ngõ”, “Anh lính Tôny-D”, “Một chiều xa thành phố”, “Thân phận cu ly”, “Cơn mưa cuối mùa”, “Bi kịch nhỏ”. Những nhân vật trong các truyện ngắn này đủ các thành phần xã hội. Từ lão Trương già trong truyện “Đồng đôla vĩ đại” đến lão Thiến trong “Anh lính Tôny-D”... những người túng quá hóa liều, từ vài lần ăn cắp vặt để nuôi bầy con đông đúc, dần trở thành những kẻ lưu manh đáng sợ, chuyên sống bằng cách tước đoạt tài sản của người khác. Sự tha hóa của họ đã kéo theo những đứa con cũng trở thành những ung nhọt xã hội và là cơn ác mộng của những người lương thiện – nhưng lại nhút nhát không dám đấu tranh với cái ác. Hay là những trí thức trẻ như Mi trong “Cơn mưa cuối mùa”, Tân trong “Một buổi chiều thật muộn”, Viện trong “Một chiều xa thành phố”... mang tâm trạng chán chường vì tuổi xuân trôi qua vùn vụt, những ước nguyện lớn lao của tuổi trẻ không thành, còn họ thì đang quần quật đối mặt với những chuyện khó khăn tủn mủn thường ngày của thời bao cấp. Đó là sự va đập giữa sự nghèo khó của những trí thức trong cơ chế với những người phất lên nhờ buôn lậu, làm ăn phi pháp trong “Ký sự những mảnh đời trong ngõ”, “Thân phận cu ly”... Dù là vấn đề như thế nào cũng được tác giả chuyển tải bằng văn phong tinh tế, bằng những so sánh bất ngờ, chua xót và dí dỏm nhưng lại mang tính nghiêm túc.

“Dòng sông” là truyện ngắn kết thúc tập truyện. Nhân vật chính là đôi vợ chồng nhà giáo giàu lòng nhân ái và vẫn giữ lòng thanh bạch với nghề cho đến cuối đời, dù cuộc sống xung quanh không ngừng đổi thay. Câu chuyện của “Dòng sông” phải chăng là thông điệp mà tác giả muốn chuyển đến người đọc: vẫn luôn có những người tốt ở quanh chúng ta.

Xuân Viên

(*) Giải thưởng Byeong Ju Lee được thành lập từ Liên hoan Văn học Quốc tế Hadong năm 2007 nhằm trao giải thường niên cho một nhà văn căn cứ vào tác phẩm đề cử bằng tiếng Anh của họ. Năm 2008, Ban tổ chức đã tiến hành xét trao giải đầu tiên và nhà văn Lê Minh Khuê trở thành tác giả đầu tiên nhận giải thưởng trị giá 10.000 USD này.

Chia sẻ bài viết