23/09/2008 - 15:07

Tiến sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Bạch Tuyết:

Cải lương sẽ mãi là hơi thở của vùng sông nước Cửu Long trù phú

Từ giữa tháng 8-2008, theo lời mời của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Bạch Tuyết (NSƯT Bạch Tuyết) đã đến TP Cần Thơ để tham gia giảng dạy lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho hơn 30 diễn viên - nghệ sĩ sân khấu thuộc Đoàn Cải lương Tây Đô- Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, đoàn ca múa nhạc Lưu Hữu Phước… Sau khi khóa học kết thúc, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với NSƯT Bạch Tuyết để trao đổi quanh chuyện nghề.

* Thưa NSƯT Bạch Tuyết, qua hơn 1 tháng tập huấn cho các diễn viên tại TP Cần Thơ, bà có nhận xét như thế nào về các học viên của mình?

- Phải nói rằng, các học viên của lớp học rất nghiêm túc, đặc biệt diễn viên của Đoàn Cải lương Tây Đô rất yêu nghề, trách nhiệm với nghề và có tinh thần cầu tiến, tôi thật sự khâm phục các bạn. Kết quả của đêm diễn báo cáo 18-9 đã thể hiện chính xác nhất tinh thần học tập của họ.

Có đôi khi các học viên hơi... chạnh buồn trước những yêu cầu, đòi hỏi có tính chuẩn mực trong ca – diễn. Nhưng tôi vẫn muốn nói với các bạn rằng, để có một giờ, thậm chí một phút xuất hiện hoàn thiện trước công chúng, người nghệ sĩ phải bỏ ra hàng năm trời, có khi cả một đời... Chẳng hạn như khi biểu diễn vở kịch thể nghiệm “Diễn kịch một mình”, để độc diễn 1 giờ 10 phút, ngoài quá trình tập luyện, mỗi ngày tôi phải tập diễn ở nhà liên tục trong 3 giờ 30 phút thì đến tối mới làm tốt vai diễn của mình.

* Bà muốn chuyển tải đến học viên những gì và mong muốn điều gì ở họ ?

- Chúng tôi muốn các bạn nắm vững những kiến thức căn bản về ca – diễn của sân khấu cải lương. Các bạn phải hiểu những gì mình hát, mình diễn, các động tác, hình thức vũ đạo phải được lý giải từ ngọn nguồn; các bài bản phải được xử lý theo đúng làn hơi, chất giọng, tâm lý, tình huống... Nói tóm lại, đó là một quy trình sáng tạo chuyên nghiệp của một diễn viên chuyên nghiệp. Diễn viên không thể thăng hoa trên cái nền trống rỗng. Từ cảm đến hiểu, từ hiểu đến cảm là cả một dây chuyền lao động vừa tỉnh táo vừa bay bổng. Tôi mừng khi những điều tôi muốn chuyển tải đều được các bạn đón nhận và tiếp nhận một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, cầu thị.

* Trước tình hình sân khấu cải lương tuột dốc, những người làm cải lương đang thực hiện nhiều cải tiến để bộ môn nghệ thuật này mang hơi thở thời đại. Theo bà, đâu là ranh giới giữa sự cách tân và phong cách truyền thống của sân khấu cải lương? Liệu sự cách tân đó có rời xa cái gốc của cải lương?

- Phong cách của nghệ thuật cải lương chính là sự cách tân. Vấn đề là hiện nay, đôi khi người ta vẫn lạm dụng ý nghĩa của từ này để khoác lên một vài kiểu cách làm dáng cho cải lương, nhưng lại làm sai lệch đi giá trị chuẩn mực của cải lương. Có những vở diễn, vai diễn lạ nhưng không mới, vì thế không thể gọi đó là cách tân được. Cải lương có tính thích ứng, nó chủ động dung nạp trong mình những tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác. Chính ở điểm này, một khi không đủ cơ sở lý luận và tính chuẩn mực căn bản, diễn viên sẽ đi đến sự tiếp nhận dễ dãi, tùy tiện. Ngược lại, họ sẽ có độ sàng lọc cao, đạt được sự kết hợp và kết tinh thành một tác phẩm nghệ thuật cải lương sang trọng, trữ tình và hiện đại. Tôi cũng đã chuyển tải thông điệp này đến các học viên của tôi.

* Đã không ít lần về Cần Thơ giảng dạy và biểu diễn, theo bà, TP Cần Thơ cần làm gì để phục hồi sức sống cải lương nói riêng và sinh hoạt nghệ thuật nói chung, xứng tầm với vị trí là trung tâm văn hóa nghệ thuật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ?

- Trong những ngày ở Cần Thơ, tôi được Giám đốc Đài PT-TH Hậu Giang bố trí sắp xếp cho đi tham quan khu vực cầu Cần Thơ. Sát ngay dưới chân cầu, giữa mênh mông sông nước tôi mới nhận ra sự lớn lao và tiềm năng của vùng đất này với một cảm giác tự hào và đầy lạc quan. Nhưng khi tôi đến với lớp học, nhìn cơ ngơi của “Nhà hát Tây Đô”, tôi không khỏi chạnh lòng và băn khoăn. Cầu Cần Thơ sẽ nối liền những bến bờ, là bàn đạp vững chắc để kinh tế của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ. Nhưng nhịp cầu nào sẽ nối liền những tâm hồn, những giấc mơ nghệ thuật, những sinh hoạt văn hóa của những người con vùng sông nước Cửu Long?

Tôi tin cải lương sẽ mãi là hơi thở của vùng đất trù phú này, nhưng để hơi thở ấy đủ “ dưỡng chất” mà nuôi sống cơ thể Đồng bằng sông Cửu Long một cách khỏe khoắn thì còn rất nhiều việc để làm. Mà một trong những công việc ấy là khóa tập huấn cải lương này, chẳng hạn (cười). Một số cơ ngơi không thể thiếu đó là những nhà hát chuyên nghiệp, Viện nghiên cứu cải lương, trường đào tạo... để cải lương vừa “mạnh” vừa “khỏe”, vừa dân tộc vừa hiện đại, đáp ứng yêu cầu thưởng ngoạn của khán giả thế kỷ 21.

Vũ Châu (thực hiện)

Chia sẻ bài viết