22/08/2024 - 08:03

Cách Qatar nắm giữ vai trò nhà đàm phán quốc tế 

Tiến trình đàm phán ngừng bắn tại Gaza đang bế tắc, những nhà trung gian từ Qatar cũng không thể ngơi nghỉ bởi vẫn còn nhiều nơi khác cần đến vai trò hòa giải của họ. Vậy điều gì ở quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé, giàu khí đốt này tạo nên thương hiệu “nhà đàm phán hiệu quả” trong các cuộc xung đột?

Các văn phòng của Taliban và Hamas ở Doha đều phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt.

Ðối tác nhỏ trên chính trường lớn

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, không có cuộc gặp gỡ nào được thiết lập giữa quan chức 2 nước. Gần đây, hy vọng được nhóm lên trước tin Nga - Ukraine có thể ngồi vào bàn đàm phán do Qatar làm trung gian. Mặc dù tất cả đã bị hủy bỏ khi Kiev tấn công vào tỉnh Kursk, thông tin về các cuộc đàm phán tiềm năng được coi là chiến thắng khác của Doha trong vai trò “người hòa giải toàn cầu”.

Ðây không phải lần đầu Qatar làm trung gian giải quyết khủng hoảng bên ngoài Trung Ðông. Họ từng đứng giữa hỗ trợ thỏa thuận trao đổi tù nhân Mỹ bị giam ở Iran, Afghanistan và Venezuela; giúp đưa hàng chục trẻ em Ukraine sơ tán sang Nga trở về nước. Những năm trước, Qatar còn chủ trì đột phá ngoại giao giữa Sudan với Cộng hòa Chad, giải quyết tranh chấp giữa Eritrea - Djibouti và thúc đẩy thỏa thuận hòa bình Darfur năm 2011. Năm 2020, Doha giúp Washington và nhóm Taliban đạt thỏa thuận lịch sử về Afghanistan, mở đường cho đợt rút quân của Mỹ vào năm 2021. Năm 2023, Qatar tiếp tục hỗ trợ lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas trong xung đột ở Gaza.

Với những thành công trên, Qatar nổi lên như “nhà đàm phán hiệu quả” và điều đó đã nâng cao vị thế ngoại giao của quốc gia bé nhỏ. Vai trò mới này giúp tăng cường ảnh hưởng và định vị Doha như “đối tác vì hòa bình” không thể thiếu của cộng đồng quốc tế.

Qatar giỏi trung gian nhờ đâu?

Mối quan hệ chính là chìa khóa và Qatar cũng được biết đến với mạng lưới liên lạc đa dạng. Trong khu vực, Doha quan hệ tốt với Iran hơn các nước láng giềng vốn coi Tehran là đối thủ. Họ cũng thắt chặt liên kết với Washington bằng thỏa thuận cho phép Lầu Năm Góc vận hành Căn cứ Không quân al-Udeid từ năm 2001. Năm 2012, Doha chấp nhận đề nghị của Nhà Trắng tiếp nhận Hamas, thay vì để nhóm này chuyển văn phòng chính trị từ Syria sang Iran.

Ngay cả khi hợp tác chặt chẽ với Mỹ, người Qatar cũng thực dụng hơn về các tổ chức Hồi giáo trong khu vực, coi đây là một phần của các phong trào chính trị không thể xóa bỏ hoặc tránh né. Với quan điểm đó, Doha hỗ trợ nhiều thực thể phi chính phủ như Taliban, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, dân quân Libya hay phe ly khai chống chính phủ ở Syria, Tunisia và Yemen. Việc hiểu và làm việc được với tất cả các bên là lý do để nhiều chính phủ phương Tây và ở một mức độ nào đó ở phương Ðông nhìn nhận Doha như “người bạn rất hữu ích”.

Thực tế, những nhà đàm phán Qatar không nhất thiết phải có kỹ năng đặc biệt so với các nhà ngoại giao khác. Ðiều quan trọng ở họ là thái độ trung lập nhất có thể. Xét cho cùng, tư cách người hòa giải là vô cùng trọng yếu với vị thế và lợi ích của Doha. Ngoài ra, nguồn lực tài chính và quyền quyết định không bị kiểm soát gắt gao của Bộ Ngoại giao Qatar cho phép họ tiếp đón nhiều bên tham gia và giải quyết nhiều khủng hoảng cùng lúc.

Lợi ích đi kèm rủi ro

Bên cạnh giá trị ngoại giao, vị thế “nhà đàm phán hàng đầu thế giới” cũng khiến Qatar đối mặt nguy cơ. Ðơn cử như tiến trình đàm phán Israel - Hamas, hiện được coi là một trong những vụ “có rủi ro cao nhất” mà Doha từng thực hiện. Theo đó, Qatar đang bị Israel cáo buộc tài trợ khủng bố. Các chính trị gia Mỹ thì kêu gọi “đánh giá lại” quan hệ với Doha, một số còn đưa ra dự luật có thể hủy bỏ vị thế của Qatar là đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Ngược lại, Hamas cũng tăng sức ép khi cân nhắc chuyển trụ sở từ Qatar sang Iraq trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngừng bắn bị đình trệ.

Bất chấp chỉ trích nhắm vào Qatar, giới quan sát cho biết quốc tế vẫn cần Doha đảm nhiệm vai trò hòa giải lúc này. “Nhân loại phải trả giá đắt vì không đối thoại trong 2 cuộc chiến tranh thế giới. Vì vậy, chúng ta ngày nay cần những người có thể tạo điều kiện cho các bên xung đột ngồi lại và giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, ngoại giao và luật pháp quốc tế” - Rabih El-Haddad tại Viện Ðào tạo và Nghiên cứu Liên Hiệp Quốc đánh giá.

MAI QUYÊN (Theo DW)

 

Chia sẻ bài viết