03/09/2023 - 09:14

Cách mạng Tháng Tám ở Cần Thơ 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta phải lầm than dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Những cột mốc lịch sử của Cách mạng Tháng tám tại Cần Thơ được ghi lại trong sử sách; đồng thời lưu giữ và trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng TP Cần Thơ phục vụ đông đảo nhân dân, nhất là trong những sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2-9.

Bảo tàng TP Cần Thơ có không gian trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Cần Thơ.

Bảo tàng TP Cần Thơ có không gian trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Cần Thơ.

Từ đầu năm 1945, phong trào cách mạng trong cả nước, trong đó có Cần Thơ, phát triển rộng khắp. Quyển "Địa chí Cần Thơ" thông tin: Tháng 5-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập tại Sài Gòn, nhằm chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Chỉ khoảng 1 tháng sau, tháng 6-1945, tại Cần Thơ đã có 70.000 người tham gia Thanh niên Tiền phong. Ngày 20-6-1945, Ban lãnh đạo Thanh niên Tiền phong tỉnh Cần Thơ được ra mắt tại rạp Trần Đắc, do đồng chí Trần Văn Khéo làm thủ lĩnh. Đọc diễn văn kêu gọi, thủ lĩnh Trần Văn Khéo cho rằng trước thời cuộc, thanh niên phải có chí lớn, cùng nhau đoàn kết chống ngoại xâm. Ngày 15-7-1945, Đại hội Thanh niên Tiền phong lần thứ II được tổ chức tại sân vận động Cần Thơ với hơn 25.000 Thanh niên Tiền phong trong tỉnh và 5.000 đại biểu Thanh niên Tiền phong Sài Gòn, các tỉnh miền Tây tham dự. Các đại biểu hát vang "Tiếng gọi thanh niên" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: "Này thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi...".

Cùng thời điểm này, Đảng bộ tỉnh Cần Thơ được củng cố và phát triển 21 chi bộ, trên 50 đảng viên. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân cứu quốc... Tỉnh ủy cũng chủ trương các địa phương tích cực tổ chức lực lượng vũ trang, ra sức tập luyện. Tại thị xã Cần Thơ, truyền đơn, khẩu hiệu cách mạng treo trên đường phố, công sở, nơi đông người, làm cho khí thế cách mạng sục sôi, địch hoang mang, lo lắng.

Bối cảnh lịch sử có lợi cho ta khi phát xít Đức đầu hàng hồng quân Liên Xô, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Quân đội Nhật ở Đông Dương tê liệt. Chính phủ bù nhìn sụp đổ. Trước thời cơ đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng ta và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào được tổ chức, ra lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. Ngày 19-8-1945, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị thành lập "Ủy ban Dân tộc Giải phóng", bầu đồng chí Trần Ngọc Quế làm Chủ tịch, cùng 1 phó chủ tịch, 1 tổng thư ký và 9 ủy viên. Ngày 22-8-1945, Hội nghị Tỉnh ủy cử đồng chí: Trần Văn Khéo, Hồ Bá Phúc, Nguyễn Văn Chức... đi tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn để rút kinh nghiệm.

Cách mạng Tháng 8 vang dội khắp nơi: Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn Gia Định, Chợ Lớn, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Vĩnh Long (25-8)... Tin khởi nghĩa thắng lợi làm nức lòng đồng bào, làm cho bọn địch hoang mang tột độ. Chiều 25-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp bất thường bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền và cử đồng chí Trần Ngọc Quế, ông Nguyễn Thượng Tư (Thanh niên Tiền phong), ông Huỳnh Cẩm Chương (trí thức yêu nước) đến gặp tên Sato chỉ huy quân Nhật tại Cần Thơ, để tranh thủ tên này không can thiệp vào công việc của ta. Sáng sớm ngày 26-8-1945, trên 20.000 đồng bào trong thị xã, các quận giương cao băng cờ, khẩu hiệu tập trung tại sân vận động Cần Thơ, hô vang các khẩu hiệu "Chính quyền về tay nhân dân", "Nước Việt Nam độc lập muôn năm!". Ủy ban Giải phóng Dân tộc tỉnh Cần Thơ lên lễ đài ra mắt nhân dân. Đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ đọc lời hiệu triệu. Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang tuần hành khắp đường phố trong thị xã và tập trung tại dinh xã Tây đòi Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào chấp nhận yêu cầu của nhân dân, ra lệnh giải tán chính quyền bù nhìn trong tỉnh và xin chính quyền cách mạng cho làm người công dân của nước Việt Nam độc lập.

Ngày 26-8-1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong tỉnh. Ngày 28-8-1945, Ủy ban Hành chính tỉnh Cần Thơ được thành lập do đồng chí Trần Văn Khéo làm Chủ tịch. Quyển "Địa chí Cần Thơ" nhấn mạnh: "Cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Cần Thơ là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1929-1945 dưới sự lãnh đạo Đảng có đường lối đúng đắn; nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy. Thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ".

Những ngày tháng hào hùng 78 năm trước đến nay còn âm vang tự hào trong lòng mỗi người dân Cần Thơ. Thành công của Cách mạng Tháng Tám mãi là thiên anh hùng ca hùng tráng nhất, là trang sử vàng chói lọi nhất, như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!".

***

Dấu ấn lịch sử đến nay vẫn còn truyền lưu. Bảo tàng TP Cần Thơ hiện lưu giữ và trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng 8 tại Cần Thơ. Đó là hình ảnh sân vận động Cần Thơ, nơi mít tinh của hơn 20.000 quần chúng biểu dương lực lượng giành chính quyền vào ngày 26-8-1945. Hay là hình ảnh dinh xã Tây, nơi Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào đã giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Cần Thơ vào ngày 26-8-1945. Nhiều hiện vật trưng bày cho thấy sự đoàn kết, nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Cần Thơ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ví dụ như chiếc mõ mù u được đồng bào Thạnh Xuân, Cần Thơ, đánh lên báo hiệu chuẩn bị chiến đấu chống Pháp năm 1945. Hay như cái dăm trống chầu của chiếc trống đình làng Cái Rắn (Xà Phiên, Long Mỹ) đánh lên để tập hợp nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu tháng 8. Còn có cây mã tấu của ông Trần Văn Thắm, Đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp) dùng bắt và xử trí bọn phản động vào năm 1945; là chiếc ná lẫy của ông Phạm Văn Dậu, dân quân xã Vị Xuân (Vị Thanh) tự tạo để đánh Pháp năm 1945...

Các hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Cần Thơ được Bảo tàng TP Cần Thơ trưng bày, phục vụ khách tham quan.

Các hiện vật liên quan đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Cần Thơ được Bảo tàng TP Cần Thơ trưng bày, phục vụ khách tham quan.

Khách tham quan còn được xem hiện vật chiếc máy ảnh của đồng chí Trần Giác, cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ dùng chụp ảnh tư liệu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ năm 1945-1972. Chính bằng tài năng và sự dấn thân của mình, đồng chí Trần Giác đã ghi lại rất nhiều sự kiện của Cần Thơ qua những bức ảnh quý báu. Trong đó, không thể không nhắc đến bộ ảnh "Dấu ấn Hội chợ Bà Đầm Thác Lác - Cần Thơ" vừa được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đó là bộ ảnh chụp hội chợ được tổ chức tại Bà Đầm Thác Lác (nay thuộc xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) vào dịp 2-9-1949. Hội chợ kéo dài 7 ngày, thu hút hàng vạn người tham dự, tạo tiếng vang khắp miền Tây, được cố nghệ sĩ Trần Giác bắt trọn trong từng bức ảnh.

--------------------------

* Bài viết sử dụng tư liệu trong quyển "Địa chí Cần Thơ", Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002.

Chia sẻ bài viết