12/02/2015 - 21:06

Cách chọn và sử dụng thực phẩm ngày Tết

Ngày Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị nhiều món ăn nên việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là điều cần thiết. Việc tuân thủ một số quy tắc lựa chọn và sử dụng thực phẩm không chỉ giúp mọi người thưởng thức các món ăn ngon lành mà còn tạo điều kiện để gia đình tươi vui, hạnh phúc đầu Xuân.

* Cách chọn thực phẩm

- Thịt gia súc: Tốt nhất nên chọn thịt đã qua kiểm dịch, thịt có màu đỏ tươi, mỡ trắng hồng, da trắng sạch, không có mùi hôi, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm đen, màng ngoài nhớt. Thịt tươi ngon phải có độ rắn chắc, tính đàn hồi.

- Cá: Cá tươi có miệng ngậm kín, mắt cá trong, vảy cá óng ánh, bám chặt thân, mang cá có màu đỏ hồng, không bị nhớt và mùi hôi.

- Gia cầm: Nếu mua gà làm sẵn, nên chọn gà có màu sắc tự nhiên, da không có vết bầm, mùi vị bình thường, không có mùi hôi. Nên chọn gà có màu vàng nhạt (Gà có màu vàng đậm thường do người bán ngâm vào nước có pha phẩm màu độc hại). Không nên chọn gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi làm.

- Đối với hải sản, thường kém tươi những ngày trong Tết và là sản phẩm mau hư hỏng, bà con không nên mua loại này để bảo quản nhiều ngày. Nếu cần chỉ nên mua lúc chúng còn tươi sống (Đối với tôm: thân cứng, săn chắc, vỏ ánh xanh, mình trong, đầu còn dính chặt vào thân. Nếu sò, hến: vỏ đóng chặt, thịt dính vào vỏ, có màu hồng nhạt, ngửi không có mùi thối). Loại hải sản nên chế biến ngay. Chuyện cũng nên nhắc đến là bà con nên cảnh giác các loại sản phẩm khác thường, như cá, cua, ốc có màu sắc lạ, hình dạng kỳ dị (Những ngày cận Tết, bà con vùng nông thôn hay đánh bắt, hoặc "dỡ chà". Ngoài tôm, cá thông thường, đôi khi còn bắt được cá nóc, con so, mực đốm xanh, ốc bùn... Các loại này có thể có độc tố, không nên liều lĩnh chế biến thành món ăn).

Người tiêu dùng lựa chọn trái cây tại siêu thị. Ảnh: K.Loan

* Sử dụng thực phẩm ngày Tết an toàn

Sau đây là một số lưu ý:

- Trong phạm vi gia đình: Việc chế biến các món ăn phải đảm bảo sạch sẽ. Đối với thức ăn nấu chín, cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi khuẩn sang các món ăn khác. Các món ăn dạng lỏng (cà - ri, thịt tiềm, canh, lẩu) còn thừa sau khi ăn nên bỏ đi; hôm sau phải đun nóng thật kỹ phần còn lại trước khi dùng. Đối với thịt nguội, dồi, chả: Nếu thấy có biểu hiện nhày, nhớt không nên ăn, vì sản phẩm này bị nhiễm trùng.

- Rau, quả: Là loại mau hư hỏng, nên chỉ mua dùng từ 1- 3 ngày. Trái cây thì rửa sạch để ráo, sau đó cho vào bao xốp cột kín rồi cất vào tủ lạnh. Ngày Tết nên ăn nhiều các loại rau, củ như: xà lách, tần ô, bắp cải, súp lơ, cà rốt, khoai tây, nấm ăn các loại cũng như các loại rau thơm (dấp cá, húng thơm, tía tô, thìa là…), các gia vị như gừng, tỏi, hành tây… Tất nhiên, không thể thiếu món củ kiệu, dưa cải chua. Món ăn này cần lưu ý: Củ kiệu sau khi làm sơ chế, ngâm vào nước phèn chua 1-2 giờ, rồi phơi nắng và xả sạch nhiều lần, trước khi ngâm vào dung dịch giấm đường; Cải chua: chọn cải cây hoặc cải bắp không quá già. Sau khi trụng nước sôi, phơi cho héo 1- 2 nắng mới đem ủ nước muối. Sau khi dưa đã chua (từ 3-4 ngày) nên ăn hết trong 1 tuần.

- Những loại bánh kẹo ngày Tết thì "thượng vàng hạ cám". Đặc biệt sản phẩm bánh kẹo ngoại "dỏm", tuy mẫu mã khá bắt mắt nhưng hoàn toàn kém xa bánh kẹo trong nước về chất lượng, sự đa dạng chủng loại, đặc biệt là hương vị và sự đảm bảo về nguồn gốc. Tuy nhiên do mua giá rẻ nên tại các chợ đầu mối cũng như các điểm kinh doanh sản phẩm Tết, các loại bánh kẹo ngoại (đặc biệt sản phẩm "made in China") đã cũ, quá hạn sử dụng, kém chất lượng nhưng vẫn được người bán "pha trộn" vào các giỏ quà Tết. Vì vậy khi mua bánh mứt làm quà Tết, chúng ta nên chọn mua từng món cho "chắc ăn", rồi nhờ người bán trang trí giỏ hàng.

- Đối với rượu bia: Ngoài bia, rượu vang, rượu trái cây thường ít có vấn đề về chất lượng nhưng khi dùng các sản phẩm rượu mạnh (rượu đế, rượu vodka, Whisky…) cần biết rõ nguồn gốc. Đối với rượu đóng chai, nên xem nhãn mác, quan sát kỹ nút chai có dấu hiệu bất thường hay không (như trầy xướt, nút chai có tì vết, nhãn mác lờ mờ…) để tránh mua nhầm rượu giả. Bất kỳ loại rượu mạnh nào khi mở nắp chai, nếu thấy có mùi "hăng hắc" khó chịu, chắc chắn có hiện diện tạp chất độc hại như furfurol, acetaldhyde, methanol; hoặc uống vào có vị ngọt giống si rô, nghi ngờ có thể pha hóa chất Ethyl glycol (thường đối với rượu có màu đục giống như rượu gạo sữa). Trường hợp này, chúng ta nên "tẩy chay" ngay. Những loại rượu đế tốt, vô hại thường tỏa ra mùi vị đặc trưng của nếp hay gạo và rượu có độ sánh, khi lắc sẽ còn bám nhẹ trên thành ly. Đề nghị các chú bác lớn tuổi không nên dùng các loại "rượu thuốc" ngâm đủ thứ côn trùng, rắn, rết, phủ tạng động vật hoặc rễ cây, củ, quả xa lạ, đề phòng uống phải độc chất từ những nguyên liệu này.

Những lưu ý trên đây hy vọng sẽ không thừa, khi mà tình hình an toàn thực phẩm luôn là điểm nóng trong đời sống hiện nay!

CNYK. Đàm Hồng Hải
(Nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết