HOÀNG ĐIỂU (Theo SCMP)
Các công ty và chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang triển khai nhiều ứng dụng cho phép người dân kiếm điểm thưởng đổi quà tặng thông qua các hành vi hướng tới lối sống xanh.
Hai tháng qua, Mandy Chen, sinh viên năm 2 Đại học Công nghệ Bắc Kinh, liên tục đăng ảnh của mình lên Taobao - trang thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Alibaba, như tạo dáng với một cái ly có thể tái sử dụng trước cửa hàng Starbucks, đi thang bộ và tắt đèn, sau đó nhận về hàng chục điểm thưởng. Theo thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) của ứng dụng mua sắm trực tuyến Taobao, các hành động của Chen đã loại bỏ 15,7gr khí thải carbon khi sử dụng ly có thể tái chế, 19,5gr khi không dùng thang máy và 65,50gr nhờ tiết kiệm điện. Sau 7 ngày siêng đăng ảnh, Chen đã đổi điểm để lấy hàng chục cuộn túi đựng rác có thể phân hủy sinh học từ Taobao.
Chen sử dụng Carbon88, một “nền tảng sổ cái carbon” được Alibaba ra mắt vào tháng 8-2022 để giúp hơn 800 triệu người dùng Taobao theo đuổi lối sống bền vững. Carbon88 liệt kê và tặng thưởng người dùng về hơn 70 hành vi ít phát thải carbon, từ sử dụng phương tiện giao thông công cộng đến mua sắm đồ cũ. Nó cũng đề xuất các sản phẩm tốt cho môi trường và tặng điểm cho người mua chúng. Chen cho biết cô đang dành dụm điểm để đổi nhiều thứ hơn, gồm phiếu giảm giá tiền mặt, đồ ăn nhẹ và chai nước...
Động lực chuyển đổi sống xanh
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hot or Cool tại Berlin (Đức), năm 2019, lượng khí thải carbon (do lối sống) bình quân một người Trung Quốc tạo ra là 5 tấn, chỉ hơn 1/3 so với của một người Canada. Tuy nhiên, với dân số 1,4 tỉ người, tổng lượng khí thải carbon của Trung Quốc lại lớn hơn Canada tới 13 lần.
Khi Trung Quốc dốc toàn lực thực hiện cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, từ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đến thiết lập thị trường giao dịch carbon lớn nhất thế giới, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm khí thải ở cấp độ cá nhân.
Điển hình là Tanpuhui, một ứng dụng được chính quyền tỉnh Quảng Đông giới thiệu vào năm 2015. Nó được thiết kế để khuyến khích hoạt động khử carbon ở cá nhân, hộ gia đình cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), với phần thưởng dành cho các lựa chọn lối sống bền vững là tín chỉ có thể dùng để mua hàng giảm giá hoặc trả phí dịch vụ công. Các cộng đồng và SMEs cũng có thể khởi xướng các dự án giảm carbon như trồng rừng và lắp hệ thống điện Mặt trời trên mái nhà, sau đó sử dụng các tín chỉ kiếm được để bù đắp lượng khí thải của chính họ hoặc bán cho ai khác cần bù đắp carbon. Đến nay, gần như tất cả các tỉnh, thành ở Trung Quốc, gồm Thượng Hải, Bắc Kinh và Sơn Đông, đều dùng Tanpuhui hoặc ứng dụng có tính năng tương tự.
Phía doanh nghiệp, nổi bật có Ngân hàng Ping An với “tài khoản carbon cá nhân”, ứng dụng tính toán mức phát thải carbon của khách hàng dựa trên mô hình chi tiêu của họ và thưởng cho người dùng có lối sống xanh.
Nhiều thách thức, song cũng đầy triển vọng
Một số chuyên gia cho biết việc phổ biến các ứng dụng theo dõi lượng khí thải carbon cũng đối mặt nhiều thách thức, như việc theo dõi mức carbon cá nhân cần phải được người dùng cho phép và có sự bảo mật cao. Một thách thức khác là tính xác thực của hành vi carbon thấp. Ví dụ, Carbon88 chỉ yêu cầu chụp ảnh, nên nếu người dùng tải ảnh họ tắt điều hòa không khí để kiếm điểm rồi mở máy lại ngay sau đó thì các ứng dụng không thể xác minh được và hành động này cũng thành vô nghĩa.
Bất chấp những thách thức nêu trên, Tina Fawcett - Phó giáo sư tại Viện Thay đổi Môi trường tại Đại học Oxford (Anh), cho rằng cách làm như Tanpuhui vẫn có thể là phương án bổ sung có giá trị cho các chính sách giảm thiểu carbon hiện tại, qua đó khuyến khích các công ty và chính quyền địa phương cung cấp thêm nhiều giải pháp cắt giảm carbon hơn.
“Không thể phủ nhận rằng Tanpuhui có tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, vì nó khuyến khích họ thay đổi lối sống để giảm lượng khí thải carbon” - Liu Junyan, trưởng dự án năng lượng và khí hậu thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) tại Bắc Kinh, nhận định. Nữ sinh Chen cho biết Carbon88 đã giúp cô có ý thức về môi trường và khiến cô sống xanh hơn. “Tôi không biết mình có thể tạo ra lượng khí thải carbon nhiều như vậy. Bây giờ tôi cảm thấy hài lòng với những việc đang làm để giúp thế giới này tốt hơn một chút” - cô nói.
Theo tổ chức Energy Foundation China, lượng khí thải liên quan đến tiêu dùng của người dân Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 5 tỉ tấn vào năm 2030, trước khi giảm dần xuống còn 3,22 tỉ tấn vào năm 2050. Cùng với đô thị hóa nhanh chóng và mức sống người dân được cải thiện, “tiêu dùng đã trở thành một khía cạnh quan trọng cản trở quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Trung Quốc”. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ này cho rằng việc chuyển đổi lối sống carbon thấp của xã hội sẽ giảm phát thải một cách hiệu quả và đóng góp vào mục tiêu “phát thải bằng 0” của nước này.