02/04/2019 - 08:46

Các nước nghèo nhất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu 

Biến đổi khí hậu thường được mô tả là vấn đề sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay chính những quốc gia nghèo nhất thế giới mới là bên đang phải đối mặt với tác động khủng khiếp của tình trạng này.

Ảnh: Africa News

“Đảo lộn hoàn toàn” là những từ duy nhất mà ngư dân Manush Albert Alben dùng để nói về cuộc sống ở Beira - Mozambique - (ảnh) hiện nay, gần 2 tuần sau khi bão Idai tàn phá phần lớn thành phố này. Beira nổi tiếng nhờ cảng biển nhộn nhịp và có mặt hướng ra Ấn Độ Dương, nhưng nay “90% thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn” bởi tình trạng ấm lên toàn cầu, theo như chia sẻ cay đắng của chính khách người Mozambique Graca Machel. “Đây là một trong những nơi nghèo nhất hành tinh, họ đang trả giá vì biến đổi khí hậu mà chủ yếu là do các nước phát triển gây ra”- Machel nhấn mạnh sau khi đến thăm Beira, nơi thấp hơn mực nước biển. Idai là hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất quét qua vùng này, làm xáo trộn cuộc sống của hơn nửa triệu người dân và khiến hàng chục ngàn người phải lánh nạn trong các trại nhân đạo. Hàng trăm km2 ở Beira đã chìm trong biển nước và chỉ khi nước rút hết, Mozambique mới có thể kiểm đếm được các thi thể xấu số. Bão Idai được cho đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người ở Mozambique, Zimbabwe và Malawi.

Các nước nghèo như Mozambique và Bangladesh, nơi có các thị trấn/thành phố duyên hải đông dân cư và thấp, cũng đang loay hoay tìm cách ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, giới chức Bangladesh đã cho xây dựng các căn nhà chống bão, kè đá ở vùng ven biển và đầu tư phát triển các hệ thống dự báo bão lụt. Năm 2012, Beira được tài trợ để xây các trạm kiểm soát lũ lụt, một hồ chứa nước lớn cũng như khôi phục các kênh đào và hệ thống thoát nước mưa. Thế nhưng, khi bão Idai với sức gió lên đến 175km/h ập đến, kéo theo mưa lớn đã xóa sạch các nỗ lực ngăn lũ của thành phố. Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ dự báo bão Idai có thể là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Nam bán cầu. Mozambique, Zimbabwe và Malawi có thể thiệt hại vật chất lên đến 1 tỉ USD do cơn bão này.

 “Bão Idai phơi bày thảm kịch về những gì có thể xảy ra tại nhiều thành phố và thị trấn khác có vị trí tọa lạc tương tự (như Beira) của những quốc gia có thu nhập trung và thấp”- Denis McClean, phát ngôn viên của Phòng giảm nhẹ nguy cơ thảm họa trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhận định. LHQ ước tính 4,2 tỉ người chịu ảnh hưởng bởi các thiên tai trong 2 thập niên qua, trong đó những nước thu nhập thấp bị tổn thất nặng nề nhất.

Nhiều người thuộc tầng lớp nghèo nhất thế giới đang sống ở những vùng xích đạo, nơi hiện có nhiệt độ trung bình cao. Điều này đồng nghĩa bất cứ sự gia tăng (nhiệt độ) nhỏ nào đều có thể được cảm nhận rõ rệt và nó sẽ dẫn đến những tác động ghê gớm hơn, theo nghiên cứu hồi năm ngoái của các nhà khoa học Úc. Trong khi đó, phần lớn những nước giàu nhất thế giới lại là “thủ phạm” phát khí thải CO2 nhiều nhất, thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động trong nông nghiệp hiện đại, gây biến đổi khí hậu. Theo báo cáo trên, nếu nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tăng ở mức 1,5 hoặc 20C, thì các nước như Indonesia hay Cộng hòa Congo sẽ cảm nhận những thay đổi do ấm lên toàn cầu rõ hơn những quốc gia ở vĩ độ cao hơn, chẳng hạn như Anh. Kết quả nghiên cứu trên được cho là ví dụ nổi bật về những bất bình đẳng liên quan đến biến đổi khí hậu.

THANH BÌNH (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết