31/12/2010 - 08:50

Các nước châu Á tăng cường quản lý dòng vốn nước ngoài

Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Budi Mulya. Ảnh: Bloomberg

Theo đuổi lợi nhuận cao hơn, các nhà đầu tư, nhất là từ các nước tăng trưởng thấp ở châu Âu và Mỹ, đang chuyển dòng tiền của họ tới các thị trường mới nổi ở châu Á, hiện có lãi suất, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tiền tệ tăng giá cao hơn so với các nước phương Tây. Tuy điều này cho thấy châu Á vẫn là điểm đến được ưa thích của các nhà đầu tư toàn cầu, nhưng dòng tiền đầu tư cũng gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước châu Á về nguy cơ làm gãy đổ các nền kinh tế ở khu vực. Ngày 29-12, Indonesia và Hàn Quốc đã tiến hành các bước nhằm quản lý dòng tiền nước ngoài “chảy” vào nước họ, vì lo ngại đồng nội tệ tăng giá và mất ổn định nếu các nhà đầu tư bất ngờ rút vốn.

Ngân hàng Indonesia cho biết sẽ siết chặt các quy định về tỷ giá hối đoái và việc vay vốn nước ngoài của các ngân hàng, nhằm giảm tác động của dòng vốn đầu tư đang đẩy cao tốc độ lạm phát và đồng rupiah tăng giá trong năm 2010. Indonesia cũng giới thiệu lại quy định bắt buộc các ngân hàng vay ngắn hạn nước ngoài không quá 30% tổng vốn của họ. Tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng bắt buộc tăng từ mức 1% hiện nay lên 5% tổng vốn của họ vào tháng 3-2011. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 8% vào tháng 6-2011. Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Budi Mulya cho biết động thái trên là nhằm giảm tính thanh khoản (hạn chế khoảng 3 tỉ USD thanh toán tiền mặt) và kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng vi phạm việc hạn chế đó sẽ có 3 tháng điều chỉnh cho phù hợp quy định. Theo ông Mulya, các biện pháp của Indonesia là nhằm giảm thiểu tác động của dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Ngân hàng Indonesia cũng lo ngại rằng đưa ra các chính sách nghiêm ngặt hơn sẽ gây nguy cơ tổn thất cho đất nước đang được các cơ quan xếp hạng tín dụng đánh giá cao. Chỉ số chứng khoán Composite ở Jakarta đã tăng 47% trong năm 2010, là một trong 10 nước có chỉ số chứng khoán tốt nhất thế giới.

Tại Hàn Quốc, một quan chức Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) cho biết chính quyền Seoul có kế hoạch giảm mức trần trao đổi ngoại tệ ở các ngân hàng nội địa trong tháng Giêng tới. Theo quan chức này, mức trần trao đổi ngoại tệ hiện nay từ 50% tổng vốn của ngân hàng giảm xuống còn 40%. Các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tại Hàn Quốc cũng sẽ cắt giảm từ 250% vốn của họ hiện nay xuống còn 200%. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cũng đang cân nhắc xem lại chính sách thuế đối với việc mua trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư nước ngoài, một kế hoạch nhận được sự ủng hộ của Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc. FSS cho rằng mức trần trao đổi ngoại tệ mới không ảnh hưởng tới nhu cầu mua bán của các nhà xuất khẩu.

Trong khi đó, Thái Lan đang hoãn việc miễn trừ 15% thuế thu nhập từ trái phiếu nội địa cho người nước ngoài. Ngân hàng trung ương Singapore cũng đã chi khoảng 17 tỉ USD để mua ngoại tệ trong tháng 10, khi dòng vốn nước ngoài tăng với tỷ lệ nhanh nhất ở nước này kể từ tháng 3-2008.

N. MINH
(Theo WSJ, Hindustantimes, Bloomberg)

Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Budi Mulya. Ảnh: Bloomberg

Chia sẻ bài viết