11/08/2008 - 08:02

Ông Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng:

Các hoạt động kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Trong tháng 8 này, cả nước ta long trọng đón chào kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2008). Ngay từ đầu năm, các hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trên tỉnh An Giang, quê hương Bác Tôn. Dịp này, Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Lê Minh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - về các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn này. Ông Lê Minh Tùng cho biết:

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người con ưu tú, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và của quê hương An Giang nói riêng. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhằm khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, nhất là những đóng góp trong phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ôn lại tấm gương cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào dịp này cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Bác Tôn - một chiến sĩ cộng sản kiên cường. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về Bác Hồ, Bác Tôn, biết quý trọng độc lập tự do và sự hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước, từ đó càng ra sức thi đua, học tập xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thưa ông, như vậy những hoạt động của đợt kỷ niệm này được tổ chức như thế nào để rộng khắp và thiết thực?

- Ông LÊ MINH TÙNG: Chúng tôi tổ chức các hoạt động của lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2008.

Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành mô hình chiếc tàu Bác Tôn và các chiến sĩ cách mạng vượt ngục từ Côn Đảo về đầt liền. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Từ cuối năm 2007, tỉnh An Giang đã thành lập Ban Tổ chức lễ và đã triển khai nhiều nội dung, phân công cụ thể cho nhiều ngành, địa phương thực hiện. Những hoạt động chính như: sửa chữa, tôn tạo, làm mới 10 công trình tại Khu lưu niệm Bác Tôn ở Mỹ Hòa Hưng; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã thu hút 87.437 người gởi bài dự thi; tổ chức Hội thảo khoa học tại thành phố Long Xuyên về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn; thực hiện 5 bộ phim về Bác Tôn; tổ chức Trại sáng tác điêu khắc gỗ ở quê hương Bác Tôn với 23 tác phẩm; tổ chức thi sáng tác về ca cổ, thơ văn, sáng tác nhạc, mỹ thuật; thực hiện bức tranh Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng gáo dừa với kích thức lớn nhất từ trước đến nay... Cũng nằm trong chương trình hoạt động này, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, như: tổ chức đêm nhạc Hoàng Hiệp với chủ đề “Dòng sông tuổi thơ”; tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng 4 dân tộc Việt - Hoa -Khmer - Chăm và rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao khác.

Riêng vào ngày 20-8-2008, đúng ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang sẽ long trọng tổ chức Lễ dâng hương và mít tinh tại thành phố Long Xuyên.

Các hoạt động kỷ niệm đã tiến triển đến đâu, thưa ông?

- Ông LÊ MINH TÙNG: Các hoạt động của lễ kỷ niệm hầu hết diễn ra theo đúng tiến độ. Nhiều hoạt động đã thực hiện xong, như: cơ bản hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa các công trình tại Khu lưu niệm Bác. Tổ chức trao giải cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác... Riêng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tấm gương, cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà tỉnh đã phát động và chỉ đạo các cấp ủy, các hội, đoàn thể trong hệ thống chính trị triển khai sẽ tiếp tục diễn ra suốt trong năm 2008, chứ không phải chỉ diễn ra trong tháng 8.

Ông nhận xét như thế nào về việc tham gia các chương trình này của người dân, các cấp, ngành trong tỉnh?

- Ông LÊ MINH TÙNG: Các hoạt động lễ kỷ niệm không chỉ diễn ra ở thành phố Long Xuyên mà trên tất cả 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh An Giang và được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cũng như các ban ngành từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả. Kinh phí lễ không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Các ngành, các địa phương đều có kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Tất cả vì sự nghiệp xây dựng quê hương Bác Tôn giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo chỉ đạo của Tỉnh ủy An Giang.

Là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, theo ông, thế hệ trẻ Việt Nam và riêng sinh viên Đại học An Giang cần học tập những gì nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Tôn năm nay?

- Ông LÊ MINH TÙNG: Thế hệ trẻ hôm nay phải học tập rất nhiều ở tấm gương yêu nước của Bác Tôn. Bác Tôn là một nhà yêu nước vĩ đại, người công nhân, người cộng sản kiên cường, mẫu mực; người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời của Bác Tôn là một tấm gương trong sáng, phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thế hệ trẻ hôm nay còn phải học tập ở tấm gương đạo đức mẫu mực, suốt đời cần, kiệm, liêm chính, suốt đời hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của Bác Tôn. Một bài học nữa mà chúng ta đã thấy là bất kỳ ở cương vị công tác nào, Bác Tôn luôn luôn phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

Xin cảm ơn ông.

HOÀNG THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết