17/10/2021 - 07:56

Các giải pháp và chính sách hỗ trợ phải đến được tất cả doanh nghiệp 

TP Cần Thơ dần kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và đang mở cửa để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn lực (tài chính, thị trường và lao động) đang là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp (DN). Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, về các giải pháp mà thành phố cần thực hiện để khôi phục sản xuất, hỗ trợ DN.

Ảnh: MỸ THANH

Vừa qua, Viện khảo sát tác động đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thưa ông, tác động mạnh nhất đối với DN Cần Thơ là gì?

- Theo kết quả khảo sát nhanh DN vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2021 có đại diện của 3 khu vực kinh tế (khu vực I chiếm 6%, khu vực II 46%, khu vực III 48%); DN lớn chiếm 5%, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm 95%; tham gia ở cả 3 thị trường nội địa, xuất khẩu và cả hai, thì có trên 30% DN đang hoạt động với nhiều phương thức khác nhau như “3 tại chỗ”, lao động làm việc tại nhà, gia công cho đơn vị khác… Về tác động của COVID-19, có tới 59% DN ảnh hưởng hoàn toàn (giảm từ 75% đến 100% doanh thu), 27% DN ảnh hưởng nhiều (giảm từ 50% đến 75% doanh thu) và chỉ có 3% DN ảnh hưởng một phần (dưới 25% doanh thu).

Khó khăn DN đề cập nhiều nhất là vận chuyển hàng hóa và thiếu phương tiện vận chuyển (62%). Việc hạn chế đi lại và lưu thông hàng hóa cả trong nước và quốc tế đã tạo ra các thiếu hụt quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, như: thiếu đơn vị cung ứng dịch vụ, thiếu container rỗng, thiếu tàu và phát sinh chi phí lưu kho bãi trong quá trình vận chuyển… Tất cả làm cho chi phí vận chuyển tăng cao và trở thành sức ép lớn nhất trong tất cả các chi phí của DN.

Khó khăn tiếp theo là chi phí lương và các khoản hỗ trợ người lao động (59%). Nguồn thu hạn chế, thiếu lao động (lao động đang trong khu vực phong tỏa hoặc khác tỉnh) đối với DN thực hiện “3 tại chỗ”. Các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ” và tâm lý người lao động trước dịch bệnh cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN.

DN còn gặp khó khăn về khả năng cân đối nguồn vốn trong điều kiện doanh thu giảm, khó thu hồi nợ nhưng chi phí lại tăng đột biến (49%). Việc duy trì nguồn vốn lưu động cũng như để không rơi vào tình trạng “mất thanh khoản” đã buộc DN phải cắt giảm chi tiêu đến mức thấp nhất để bảo toàn chi phí lãi vay và thanh toán các khoản vay ngân hàng; trong đó bao gồm “cắt giảm lao động” hoặc giảm số giờ làm việc của lao động - điều gây nên tổn thất không nhỏ cho xã hội trong bối cảnh COVID-19 và những hệ lụy của nó. DN còn gặp các khó khăn về các yếu tố đầu vào, khó khăn về thị trường, vốn vay và lãi suất ngân hàng.

Những khó khăn và đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ sẽ là thách thức khi DN tái khởi động sản xuất kinh doanh. Yếu tố then chốt để DN khởi động hiện nay là gì, thưa ông?

- Việc tái khôi phục sản xuất kinh doanh sẽ không thể tránh khỏi các khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ DN, hiệp hội và chính quyền địa phương. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giảm tiền thuê đất của năm 2021; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí,…; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản… Các địa phương đang tận dụng và triển khai việc tiêm vaccine, các khu vực được xem là tâm điểm của đại dịch đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine lớn. Về cơ bản, các khía cạnh cần hỗ trợ DN đã được triển khai ở cấp độ Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt để giúp DN tái khôi phục sản xuất kinh doanh cần được xem xét ở góc độ các đứt gãy trong chuỗi cung ứng là gì. Ðối với DN thương mại - dịch vụ, chuỗi cung ứng đơn giản hơn so với chuỗi cung ứng của DN sản xuất. DN thương mại - dịch vụ tuy giảm rất sâu khi COVID-19 bùng phát, nhưng sẽ phục hồi rất nhanh trong điều kiện bình thường mới (đơn cử như ngành bán lẻ và du lịch). Ngược lại, DN sản xuất, chuỗi cung ứng phức tạp hơn, nên một khi xảy ra tình trạng đứt gãy ở một hoặc nhiều khâu, thì cần nhiều hơn điều kiện và thời gian để phục hồi. Trong đó, kết nối thị trường và giải quyết đầu ra là yếu tố quyết định, giúp thúc đẩy việc hàn gắn các đứt gãy khác và khi đó, các chính sách hỗ trợ sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác giúp cho quá trình hàn gắn đó diễn ra nhanh hơn.

Thời gian giãn cách có 2 kết nối bị gián đoạn và gây tổn thất cho DN và nền kinh tế là: gián đoạn đầu vào cho sản xuất và gián đoạn đầu ra ở thị trường xuất khẩu. Trong đó, gián đoạn đầu ra ở thị trường xuất khẩu mang tính quyết định. Bởi vì, một khi kết nối này được nối lại, thì toàn chuỗi cung ứng sẽ dần phục hồi và các chính sách hỗ trợ mới phát huy được tác dụng. Do đó, thị trường chính là yếu tố then chốt để khắc phục các đứt gãy.

Thực tế, việc khôi phục sản xuất mỗi địa phương thực hiện khác nhau. Trong khi chuỗi cung ứng cần mở cửa trên phạm vi rộng, nếu thiếu kết nối sẽ tăng chi phí của DN và việc mở cửa sẽ kém hiệu quả. Ông nhận định gì về vấn đề này?

- Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu của TP Cần Thơ có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy chuỗi nông sản chủ lực của ÐBSCL phát triển. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển liên tỉnh trong hiện tại và sắp tới sẽ vẫn cao hơn so với điều kiện lúc chưa có COVID-19, nhưng đã và sẽ giảm hơn rất nhiều so với giai đoạn các địa phương còn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong giai đoạn giãn cách, chi phí vận chuyển tăng do test COVID-19 chỉ là một phần, phần còn lại là nhiều yếu tố khác như: thiếu đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển, thiếu lao động tham gia vận chuyển, thời gian vận chuyển dài hơn và tần suất vận chuyển thấp hơn do phải thực hiện các thủ tục khi qua các khu vực có diễn biến COVID-19 phức tạp, phát sinh chi phí lưu kho trong quá trình vận chuyển bị gián đoạn. Còn trong điều kiện hiện tại, DN cung ứng dịch vụ vận tải đã hoạt động trở lại, người lao động đã có thể trở lại làm việc, tình hình tiêm vaccine được tăng tốc, đặc biệt là vận tải quốc tế đang dần được nối lại cả về đường biển lẫn đường
hàng không.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra khảo sát sản xuất “3 tại chỗ” tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành. Ảnh: M.HUYỀN

Về phía DN, theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại thời điểm cao điểm của đại dịch, chỉ cần DN có hoạt động, có đầu ra, thì chi phí vận chuyển (và nhiều chi phí khác) tuy cao nhưng vẫn đảm bảo DN ít thiệt hại hơn so với việc ngưng hoạt động. Ðiều đó cũng có nghĩa là “kém hiệu quả hơn” dù sao vẫn đỡ hơn “không có hiệu quả”, thậm chí là những tổn thương kéo theo về thị trường và những cơ hội kinh doanh nếu DN tiếp tục kéo dài thời gian tạm ngưng hoạt động. Mà tổn thương càng lớn thì khả năng phục hồi của DN càng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Do đó, trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay, chi phí vận chuyển theo tôi không phải là yếu tố quan trọng cản trở sự trở lại hoạt động của DN. Khi cung cầu được kết nối, DN sẽ dần củng cố lại các khâu trong tổ chức sản xuất để cung ứng hàng hóa, trong đó có yếu tố lao động và vận chuyển.

Thưa ông, DN là nguồn lực để phục hồi kinh tế, vấn đề cấp bách bây giờ của thành phố cần làm cho DN là gì?

- Bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương, thành phố cũng đã ban hành Phương án số tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18-9-2021 và Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 23-9-2021 quản lý điều hành của thành phố đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Ðồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ DN (0888.773.666) nhằm hỗ trợ, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN… Lãnh đạo thành phố cũng đã hai lần hội nghị đối thoại trực tuyến với DN. Có thể nói, việc hỗ trợ DN đã và đang được triển khai quyết liệt. Việc cần thiết lúc này là các giải pháp và chính sách trên đảm bảo đến được tất cả DN, nhất là số điện thoại đường dây nóng và tạo điều kiện thuận tiện nhất về thủ tục hành chính để DN tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ.

Các giải pháp để giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh là: xúc tiến thương mại và kết nối giao thương. Ðiều này đòi hỏi sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, các hiệp hội và DN, trên cơ sở tận dụng hiệu quả các nền tảng quảng bá hiện đại, thông tin thị trường và các Hiệp định thương mại tự do, cũng như quan hệ song phương ở các thị trường mà thành phố đang có lợi thế. Thúc đẩy chính sách hỗ trợ DN thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, tiếp tục các gói hỗ trợ DN về lãi suất, bảo lãnh tín dụng, giảm thuế, phí,…; hỗ trợ DN liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là nông sản, thủy sản. Quan tâm về nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. Hỗ trợ DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số.

Xin cảm ơn ông!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết