11/06/2010 - 08:20

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII

Các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Ngày 10-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, cử tri cả nước gửi đến Quốc hội 1.687 kiến nghị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp những nội dung kiến nghị chủ yếu của cử tri báo cáo với Quốc hội tại phiên khai mạc, đồng thời chỉ đạo Ban Dân nguyện tập hợp đầy đủ các kiến nghị của cử tri gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tính đến ngày 10-5-2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị của cử tri do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời . Qua xem xét, phân tích, tổng hợp nội dung văn bản trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan cho thấy: 697 kiến nghị (chiếm 58,6%) được các cơ quan trả lời đã tiếp thu và giải quyết; 263 kiến nghị (chiếm 22%) đang trong quá trình xem xét, giải quyết; 94 kiến nghị (chiếm 7,9%) được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách; 50 kiến nghị (chiếm 4,2%) tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành ở trung ương nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương; 66 kiến nghị (chiếm 5,5%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri...

* Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên chất vấn lần này đã có 189 chất vấn của 87 đại biểu gửi tới Thủ tướng và Chính phủ; trong đó có 17 chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; 20 bộ, ngành nhận được câu hỏi chất vấn. Bộ nhận được nhiều câu chất vấn nhất là Bộ Công Thương 28 chất vấn; Bộ nhận ít câu chất vấn nhất là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ 1 chất vấn. Nội dung tất cả các chất vấn đã được tập hợp và gửi tới đại biểu. Chủ tịch Quốc hội cho biết những nội dung được lựa chọn chất vấn tại Hội trường là những vấn đề lớn, mang tầm vĩ mô được dư luận xã hội quan tâm; những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội cần được giải quyết. Việc trả lời chất vấn lần này vẫn theo nhóm vấn đề, lựa chọn một số bộ trưởng đăng đàn nhưng sẽ có nhiều bộ trưởng cùng tham gia nói về trách nhiệm của ngành mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết 4 Bộ trưởng sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với phần lớn các chất vấn về quản lý giá cả.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Kiểm soát chặt chẽ giá cả, đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Điều hành giá là vấn đề được đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Thẳng thắn trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận một số mặt hàng trong diện quản lý giá của Nhà nước cần phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật về giá và Thông tư, Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên đã có một số trường hợp không tuân thủ nguyên tắc này. Bộ trưởng cho biết trước tình trạng này, các bộ liên quan đã tổ chức các cuộc kiểm tra, tuy nhiên không thể kiểm tra hết được - Bộ trưởng khẳng định. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã nêu lên trách nhiệm của UBND các địa phương trong việc quản lý giá trên địa bàn mình quản lý, trong đó có việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về đăng ký giá. Bộ trưởng cho biết nằm trên địa bàn nào thì đăng ký với cơ quan chức năng của địa phương đó chứ không phải đăng ký với các Bộ.

Trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát về giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan quản lý thị trường tổ chức các cuộc kiểm tra trọng điểm. Qua đó phát hiện một số vụ việc vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết. Trên cơ sở vi phạm, các cơ quan hữu quan đã tiến hành phạt. Việc phạt này được thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận mức phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất thu hồi toàn bộ phần chênh lệch về cho Nhà nước nhưng vấn đề này hiện nay chưa được quy định trong văn bản pháp luật nên Bộ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung 1 số điểm trong Nghị định để vận dụng vào việc xử phạt nặng hơn và nghiêm hơn. Bộ trưởng khẳng định trên cơ sở tiếp thu các ý kiến cho rằng mức phạt còn nhẹ, Bộ sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Danh Út về kiểm soát giá thuốc, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Giá thuốc hiện nay được giao cho các bộ có liên quan quản lý trong đó có Bộ Y tế. Chúng tôi quản lý nhà nước về giá thì cũng có kiểm tra kiểm soát việc hình thành giá từ sản xuất trong nước và nhập khẩu”. Qua kiểm tra, Bộ trưởng cho biết, xuất hiện tình trạng giá thuốc gian lận ngay từ khâu nhập khẩu (từ đối tác bên ngoài). Giải quyết vấn đề này, Bộ đang phối hợp đưa ra giải pháp kiểm soát giá thuốc trong đó có một vấn đề quan trọng là kiểm tra ngay từ khâu nhập khẩu- Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng thấy rằng cần nghiên cứu và tổ chức lại việc lưu thông phân phối thuốc để Nhà nước quản lý được, nếu không sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh vấn đề bình ổn, quản lý giá cả, nhiều đại biểu cũng quan tâm chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về con số nợ công và vấn đề sử dụng nợ công như thế nào?

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) băn khoăn: Nợ công hiện rất cao và hình như chưa được tính đủ. Vì vậy không xác định chính xác được số nợ công hiện nay là bao nhiêu, không biết được ngưỡng nguy hiểm của nền tài chính quốc gia ở mức độ nào? Bộ trưởng khẳng định đã đưa ra con số nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ hoàn toàn chính xác, đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả, nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nợ Chính phủ hiện chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8% GDP. Trong nợ nước ngoài, 86,5% là vay dài hạn (ODA, vay Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản). Thời hạn vay từ 30-40 năm trong đó có 10 năm Ngân hàng, lãi suất từ 0,75% đến trên 1%. Thực tế các khoản vay là cho các dự án rất lớn, ví dụ một số cảng biển, công trình thủy lợi quan trọng. Vay ngắn hạn có thể cao bằng hoặc thấp hơn thị trường một chút, không ưu đãi, là 13,5%. Nợ trong nước trong cơ cấu nợ Chính phủ chiếm 41,2%. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 9,9%. Trong đó, bảo lãnh để vay nước ngoài chiếm 57,6%. Nợ của chính quyền địa phương là 26.000 tỉ, tương đương 1,6% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia hiện nay chiếm 38,9% GDP. Nợ trung và dài hạn 86,6%. Còn lại là nợ ngắn hạn. Trong nợ ngắn hạn, nợ Chính phủ là 64%, nợ doanh nghiệp 36%. Tất cả các khoản đại biểu đề cập đã được cộng đủ.

Bộ trưởng khẳng định: Ta đang điều hành nợ Chính phủ trong phạm vi cho phép. Mặt khác, nợ vay nước ngoài của ta chủ yếu là vay dài hạn. Một chỉ tiêu khác rất quan trọng khác là đến nay, ta không có khoản nợ quá hạn không trả được, nợ xấu. Nhìn tổng thể, ta đã sử dụng nợ có hiệu quả.

* Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Để xảy ra tình trạng công trình giao thông kém chất lượng là trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải

Chất lượng xây dựng các công trình giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII vào chiều 10-6. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề này.

Đề cập đến việc chất lượng các công trình giao thông không đảm bảo, nhiều đoạn đường ngay sau khi đưa vào sử dụng đã sụt lở, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) chất vấn: Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này, có phải do công tác quản lý khai thác chưa tốt, hay công tác khảo sát, thẩm định có vấn đề, hay chất lượng công trình kém?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Về mặt quản lý Nhà nước, Bộ đã đặt ra rất nhiều các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiến độ các dự án. Phần lớn dự án về mặt chất lượng, tiến độ có cải thiện hơn, nhưng vẫn còn những công trình chưa đảm bảo, có dự án vừa đưa khai thác đã hiệu chỉnh, sửa chữa. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mà cụ thể là của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chất lượng chưa tốt nên sang đến bước thiết kế, nhiều công trình phải khảo sát lại. Ngay cả bước thiết kế cũng còn khiếm khuyết từ khâu thiết kế kỹ thuật tới thiết kế bản vẽ thi công.

Trong thời gian gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng có cải thiện hơn, hàng năm có lợi nhuận nhưng số lợi nhuận đó chưa bù được lỗ lũy kế tích lũy từ nhiều năm. Trong khi vốn chủ sở hữu đầu tư rất thấp, cộng với lỗ lũy kế nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp rất yếu kém. Thêm vào đó, trình độ công tác tổ chức, quản lý, giám sát... còn nhiều hạn chế. Một nguyên nhân nữa là tư vấn giám sát. Các dự án dùng vốn ngân sách trong nước, vai trò tư vấn giám sát rất hạn chế từ trình độ năng lực tới trách nhiệm nên hầu như việc phát hiện các thiếu sót hư hỏng trong quá trình xây dựng, trong khâu thiết kế, bản vẽ thi công đến thực hiện đầu tư còn nhiều khiếm khuyết, dẫn tới chất lượng công trình chưa đảm bảo.

Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi được các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đặt ra. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trước hết là công tác quản lý của Ban quản lý dự án (QLDA) và quản lý Nhà nước của Bộ GTVT. Mặc dù đã có nhiều văn bản, nhiều thể chế, để quản lý đầu tư nhưng khi triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, còn nhiều khiếm khuyết, chưa theo kịp sự phát triển và sự càng ngày càng phức tạp của công trình.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ là trách nhiệm bao trùm và cũng nêu giải pháp giải quyết bằng việc phân cấp triệt để chủ đầu tư dự án, phân cấp gần hết cho các Tổng Công ty, các Cục chuyên ngành và các địa phương. Bộ phần lớn chỉ làm trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư và trực tiếp quản lý, làm chủ đầu tư khoảng 14 - 15 dự án có quy mô phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành. Điều này sẽ giúp Bộ tập trung vào công tác thể chế, chính sách đối với xây dựng và công tác giám sát đầu tư, để phi tập trung hóa quyền lực, đảm bảo sự minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước, quản lý dự án và chất lượng chương trình một cách tốt hơn.

Theo Bộ trưởng, cũng phải từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, không thể làm thay doanh nghiệp trong nhiều vấn đề.

Về chất lượng các công trình giao thông nông thôn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Việc đầu tư, tổ chức dự án quản lý, duy tu giao thông thuộc trách nhiệm trực tiếp của địa phương. Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý chung và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp đường, tiêu chuẩn duy trì, bảo dưỡng đã được Bộ ban hành tương đối đầy đủ, nếu các địa phương áp dụng đúng các tiêu chuẩn này thì sẽ có kết quả tốt nhưng có nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ nên không đạt kết quả tốt, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như vấn đề TNGT còn nhiều nhức nhối. Cho dù các con số: Hà Nội đã xóa 66/120 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông nhờ các dải phân cách, TNGT giảm dần, năm 2008, giảm 1.564 người chết (gần 12%), năm 2009 giảm gần 1% và 4 tháng đầu năm giảm 157 người (gần 4%)... được Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đưa ra nhưng cũng chưa đủ sức thuyết phục với nhiều đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) quan tâm đến việc lấn chiếm lòng lề đường tại các thành phố lớn, gây khó khăn cho người đi bộ, mất an toàn, mỹ quan đô thị, vấn đề đua xe, chạy xe bằng chân, cho em bé lái xe... và đặt câu hỏi Bộ trưởng có suy nghĩ gì?

Bộ trưởng Dũng thừa nhận: Vẫn còn xảy ra các vụ TNGT rất nghiêm trọng. Dù số người chết có giảm qua các năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là giảm 5% số người chết mỗi năm. TNGT vẫn là vấn nạn đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia. Bộ cũng nhận thấy trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước của mình và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ cùng với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông. Còn việc xử phạt an toàn giao thông, chủ yếu do lực lượng cảnh sát giao thông với sự phối hợp của thanh tra giao thông.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết