17/12/2007 - 09:35

Các “biệt đội tử thần” trước đây của tình báo Mỹ

Các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là Cục Tình báo Trung ương (CIA), thời gian gần đây bị cáo buộc bí mật tổ chức bắt cóc, thủ tiêu và tra tấn nhiều nghi can khủng bố tại nhà tù Guantanamo, châu Âu, Canada và khu vực Trung Đông khiến Hạ viện Mỹ hôm 13-12 phải thông qua dự luật cấm CIA sử dụng các biện pháp tàn nhẫn trong thẩm vấn. Điều này làm người ta nhớ lại những “biệt đội tử thần” do các cơ quan tình báo Mỹ thiết lập trong cuộc chiến chống lực lượng cánh tả thời kỳ Chiến tranh lạnh. Dưới đây là sơ lược phản ánh của Greg Grandin, giảng viên môn lịch sử Đại học New York trên trang điện tử Thời báo châu Á mới đây.

 

Người dân Mỹ La-tinh biểu tình phản đối các “biệt đội tử thần” do Mỹ tài trợ. Ảnh: History.emory.edu.  

Trong giai đoạn nửa sau của Chiến tranh lạnh, các đồng minh chống Cộng của Washington giết hại tổng cộng hơn 300.000 dân thường, phần lớn trong số này được gọi là “bị mất tích”. Theo tiểu thuyết gia người Colombia Gabriel Garcia Marquez, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1982 với tác phẩm nổi tiếng “Trăm năm cô đơn”, số nạn nhân bị coi là “mất tích” chỉ tính riêng tại khu vực Mỹ La-tinh lên tới gần 120.000 người. Phần lớn số nạn nhân thật sự không phải là người tích cực hoạt động chính trị mà là những nhân vật có tiếng tăm, nên sự mất tích bất ngờ của họ tạo ra sự hoang mang trong công chúng.

Để có thể làm “biến mất” các nạn nhân bị bắt cóc trên quy mô toàn khu vực hồi những năm 1960-1970, các cơ quan tình báo Mỹ thiết lập một mạng lưới nhà tù đồng bộ, tinh vi và xuyên quốc gia. Các nhân viên CIA tại Mỹ La-tinh hợp tác và làm việc chặt chẽ với các đồng sự người địa phương.

“Biệt đội tử thần” là những đơn vị bán vũ trang bí mật, hoạt động trên danh nghĩa độc lập (nhưng thực chất do các cơ quan an ninh thiết lập), có khả năng cung cấp thông tin tình báo và nắm giữ vai trò hậu cần. Năm 1954, CIA bắt đầu cổ xúy việc ám sát các nhân vật cánh tả ở Guatemala và tổ chức thành công cuộc đảo chính lật đổ tổng thống dân cử ở nước này. Nhưng những “biệt đội tử thần” đầu tiên được Washington tài trợ chỉ bắt đầu hoạt động từ năm 1962 tại Colombia, nơi chính quyền quân sự độc tài muốn thu hút sự chú ý của Mỹ nhiều hơn so với chiến tranh Việt Nam. Cụ thể, Mỹ bày mưu cho chính phủ nước này thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên thủ tiêu các du kích quân, tổ chức các hoạt động khủng bố nhằm triệt hạ những người ủng hộ Cộng sản.

Chiến lược “mất tích” của Mỹ chủ yếu được thực thi tại Trung Mỹ mà nạn nhân đa số là thường dân. Washington cung cấp đầy đủ các trang thiết bị tình báo, phương tiện vận chuyển và tác chiến, đồng thời trực tiếp phối hợp với các đơn vị an ninh, quân sự và cảnh sát của nước sở tại để tiến hành chiến dịch bắt cóc bí mật. Trong “Chiến dịch thanh trừng” tại Guatemala năm 1966, hơn 30 nhà hoạt động chính trị đối lập bị bắt cóc, thẩm vấn, tra tấn và cuối cùng bị hành quyết. Thi thể của các nạn nhân được đưa lên máy bay do Mỹ cung cấp, sau đó bí mật chở đi đổ xuống Thái Bình Dương trước sự im lặng của đại sứ quán Mỹ và chính phủ Guatemala thời đó. Suốt 2 thập niên rưỡi tiếp theo, các lực lượng an ninh tại Trung Mỹ do Washington tài trợ và huấn luyện còn làm “biệt dạng” hàng chục ngàn người và giết hại hàng trăm ngàn người.

V.P
(Theo Atimes)

V.P (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tình báo Mỹ