19/05/2010 - 20:42

Châu Âu

Cá biển sẽ trở thành món ăn xa xỉ

Trong 10 hoặc 20 năm nữa, các nhà khoa học cho rằng cá biển ở châu Âu sẽ trở thành món ăn mà chỉ người giàu mới có thể kham nổi. Số đông còn lại phải dùng những món cá “giả” được chế biến từ tảo và sứa, hoặc cá “hạng nhì” nuôi ở ao hoặc đầm – hiện đã chiếm đến 50% sản lượng hải sản trên thế giới.

Nguồn cá ở châu Âu đang bị suy kiệt đến mức báo động, trong đó riêng trữ lượng cá của Anh hiện thấp hơn 94% so với khi nghề đánh bắt cá bắt đầu công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ 19. Hiện nay lượng cá dưới biển châu Âu ít đến mức mặc dù sử dụng trang thiết bị hiện đại, người ta đánh bắt được số cá chỉ bằng một nửa so với thời đánh bắt chủ yếu bằng thuyền buồm. Cá tuyết, từng là thực phẩm chính trong bữa ăn của người Anh, nay được bắt chủ yếu ở Iceland và đắt như thịt bò thượng hạng. Cá tuyết chấm đen, cá bơn sao và cá bơn cũng rơi vào tình trạng gần giống như vậy. Không lâu nữa, cá hồi được dự báo cũng sẽ không còn ở Anh. Trong khi đó, hầu hết các bãi sò đều đã cạn.

 Vốn là thực phẩm chính của dân Ăng-lê, cá tuyết giờ chỉ còn đánh bắt được ở Iceland. Ảnh: Alamy

Thực trạng trên khiến không ít người lo ngại một trong những nguồn thực phẩm chủ lực của con người sẽ cạn kiệt trong vòng hơn 1 thế kỷ nữa. Điều đáng nói là giới chức châu Âu đã nhìn thấy viễn cảnh này từ hơn 4 thập niên qua nhưng họ gần như không có động thái gì để ngăn ngừa. Chính sách ngư nghiệp chung của các nước châu Âu 40 năm qua được coi là thỏa thuận quốc tế kém hiệu quả nhất trên thế giới, mỗi năm ngốn gần 600 triệu euro. Hiện châu Âu là khu vực có trữ lượng cá thấp nhất trên thế giới. Năm 2009, Ủy ban châu Âu (EC) phải thừa nhận gần 90% trữ lượng cá đã bị đánh bắt hết (tỷ lệ này năm 1970 chiếm chỉ 10%), và hiện tại, không một hệ thống hạn chế đánh bắt quá mức nào phát huy tác dụng.

Theo báo cáo mới đây của Giáo sư Callum Roberts, nhà sinh vật biển nổi tiếng của Đại học York (Canada), năm 1938, biển cả còn nhiều cá đến nỗi những tàu đánh bắt thô sơ cũng có thể mang vào bờ lượng cá nhiều gấp 5,4 lần sản lượng của các tàu đánh bắt hiện đại ngày nay. Đại dương chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở lại thời hoàng kim như thế bởi những tàu đánh cá công nghiệp có khả năng neo lại trên biển trong nhiều tuần và lùng sục cả vùng biển sâu nhất để bắt cho được những con cá có thể bán. Giáo sư Roberts cho rằng nạn khai thác quá mức đã và đang hủy diệt không chỉ những loài cá mà cả hệ sinh thái biển. Cá nhỏ vốn là mồi của những loại cá lớn mà chúng ta mua ăn nay đã cạn kiệt. Tương tự nguồn thức ăn của chúng (những loài nhỏ hơn) nay cũng biến mất. Điều này có nghĩa cơ hội để trữ lượng cá phục hồi là rất nhỏ, ngay cả khi tạm ngưng việc đánh bắt.

Thực tế đã chứng minh ở vùng biển Grand Banks, ngoài khơi đảo Newfoundland của Canada. Đây là ngư trường từng cung cấp cho châu Âu nguồn cá tuyết giá rẻ trong suốt 500 năm. Khi Canada cấm đánh bắt cá ở khu vực này năm 1992, người ta ước tính nguồn cá ở đây chỉ còn lại 0,3% so với trữ lượng ban đầu. Và đến nay, sau 18 năm, trữ lượng cá ở biển Grand Banks chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, bài học này dường như đã không được giới chức châu Âu lưu tâm.

HỒNG ĐĂNG (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết