|
Quốc vương Arabie Séoudite Abdullah (trái) bắt tay Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại hội nghị liên tôn giáo. Ảnh: Reuters |
Tại hội nghị liên tôn giáo diễn ra ở trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong hai ngày 12 và 13-11, Tổng thống Israel Shimon Peres đã đánh giá cao sáng kiến này của Quốc vương Arabie Séoudite Abdullah, hy vọng nó góp phần chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng giữa người A-rập và Do Thái. Phát biểu trước hàng trăm nhà lãnh đạo tôn giáo và chính khách của 80 quốc gia, ông Peres cho rằng xây dựng một tương lai mới cho Trung Đông dường như khả thi hơn vào thời điểm hiện nay, nhờ sự tác động của Arabie Séoudite. Năm 2002, Arabie Séoudite từng có kế hoạch kêu gọi các nước A-rập công nhận nhà nước Do Thái để đổi lại việc Israel rút quân khỏi tất cả các vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967. Theo ông Peres, đề nghị của Arabie Séoudite có thể phát triển thành sáng kiến hòa bình A-rập. Rất hiếm khi người đứng đầu Israel có thái độ trân trọng như vậy đối với một nhà lãnh đạo A-rập.
Với mong muốn tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông, có thể sống trong hòa bình, Quốc vương Abdullah đã đề xuất và tài trợ để Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo của 2 tôn giáo có đông tín đồ nhất: Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Ước tính có khoảng 2 tỉ người Thiên chúa giáo và khoảng 1,3 tỉ người Hồi giáo trên thế giới hiện nay. Quốc vương Abdullah kêu gọi các nước Trung Đông cần thông hiểu nhau hơn và cho rằng chủ nghĩa khủng bố và tội phạm là kẻ thù của mọi tôn giáo và mọi nền văn minh. Với hành động được xem là hiếm thấy, Quốc vương Abdullah đã đồng ý tham gia bữa tối cùng Tổng thống Peres do ông Ban Ki-moon tổ chức. Tại hội nghị, lần đầu tiên nhiều nhà lãnh đạo A-rập cũng đã không bỏ ra ngoài khi tổng thống Israel phát biểu.
Các nhà phân tích cho rằng, hội nghị liên tôn giáo còn là cơ hội để Arabie Séoudite cải thiện hình ảnh quốc gia. Trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, cái tên Arabie Séoudite thường được nhắc tới vì 15 trong số 19 phần tử cướp máy bay thực hiện vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là người nước này.
Đối với Israel, hội nghị là dịp để Ngoại trưởng Tzipi Livni, nhân vật nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng, có cơ hội khẳng định những cam kết của mình về đàm phán hòa bình với các nước A-rập. Việc các nhà lãnh đạo Israel tham gia hội nghị cũng là dấu hiệu cho thấy nước này đang tiến tới mối quan hệ tốt đẹp hơn với Arabie Séoudite, quốc gia chưa công nhận nhà nước Do Thái. Cho đến trước hội nghị này, chính sách của Arabie Séoudite vẫn là tránh tiếp xúc công khai với các nhà lãnh đạo Israel. Năm ngoái, Quốc vương Abdullah đã không tham gia hội nghị hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ ở Annapolis, mà chỉ cử Ngoại trưởng Saud al Faisal đi dự.
Tuy hòa bình Trung Đông theo đề xuất của Quốc vương Abdullah là quãng đường còn dài, nhưng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng hội nghị là sự kiện “độc nhất vô nhị” kể từ khi Israel thành lập năm 1947 đến nay. Ông khẳng định sẽ làm hết sức để duy trì những cơ hội như vậy và thúc đẩy sự hiểu biết giữa người A-rập và Israel.
NGUYỄN MINH (Theo AP, AFP, NYTimes)