Việc Tổng thống Joe Biden gần đây phê duyệt một điều chỉnh lớn trong chiến lược vũ khí hạt nhân của Mỹ đã làm nổi bật sự chú ý của giới chức an ninh nước này đối với tham vọng gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên vào năm 2031. Ảnh: US Navy
Trong thập niên qua, Lầu Năm Góc đã chuyển hướng nỗ lực từ chống khủng bố sang việc chuẩn bị cho “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn” giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Thay đổi chiến lược quan trọng nhất thể hiện rõ trong kế hoạch này là tập trung vào răn đe.
Chiến lược Phòng thủ Quốc gia được công bố vào tháng 10-2022, vốn nêu rõ các mục tiêu, mục đích và phân bổ nguồn lực của Mỹ trong 2 năm tiếp theo, đã thừa nhận nguy cơ tiềm ẩn về căng thẳng và xung đột công khai với Nga hoặc Trung Quốc, qua đó kêu gọi “răn đe tích hợp” để ngăn chặn viễn cảnh này.
Kế hoạch hành động mới
Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển những phương thức mới để đối phó với Nga, Trung Quốc. Không giống như các nhóm khủng bố nhỏ, những cường quốc này có thể chiến đấu trên không, trên bộ và trên biển ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, thậm chí ngoài vũ trụ và trên không gian mạng.
Ở cách thức đầu tiên, Lầu Năm Góc sẽ “triển khai lực lượng năng động”, trong đó quân đội được triển khai nhanh chóng trên khắp thế giới, mà không có lịch trình luân phiên có thể đoán được. Cách tiếp cận này giúp trấn an các đồng minh đang đối mặt với các mối đe dọa từ Mát-xcơ-va hoặc Bắc Kinh.
Chẳng hạn như đôi khi Mỹ điều 10.000 quân đến Ba Lan. Binh sĩ không đóng quân lâu dài tại đây, nhưng sự hiện diện liên tục của họ khiến Nga phải suy đoán về quy mô và năng lực của lực lượng này, và cũng nhằm thể hiện cam kết hỗ trợ các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Ðông Âu.
Thứ hai là dịch chuyển nhân sự và năng lực sang “hoạt động đa miền”, nơi các đơn vị có nhiệm vụ khác nhau trên không, trên bộ, trên biển, ngoài vũ trụ và không gian mạng phối hợp lập kế hoạch và huấn luyện. Mức độ hợp tác này cho phép Washington ứng phó với các mối đe dọa theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, những thách thức đối với sức mạnh Hải quân Mỹ trên biển không nhất thiết phải bị đáp trả trực tiếp bằng hành động tương ứng, mà có thể tấn công từ không gian mạng hoặc ngoài vũ trụ.
Cách tiếp cận trên có thể khiến Trung Quốc phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành các hoạt động quân sự. Bởi Bắc Kinh không chỉ đối diện với cuộc xung đột trực tiếp dữ dội, mà các hoạt động không gian mạng và ngoài vũ trụ của Washington cũng có thể làm gián đoạn hoặc phá hủy các thông tin liên lạc quân sự của đối phương, cản trở cuộc tấn công.
Đầu tư vào hiện đại hóa
Nghiên cứu gần đây cho thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc vào năng lực quân sự - đặc biệt là Không quân, Hải quân và Hạt nhân của nước này - đã tăng theo cấp số nhân trong 2 thập niên qua, lên mức gần bằng Mỹ.
Ðiều đó buộc Mỹ phải hiện đại hóa các năng lực quân sự tương ứng. Ðối với ngân sách năm 2024, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân bổ gần 235 tỉ USD cho các chương trình hỗ trợ răn đe tích hợp, nhiều khả năng tăng 10% so với các kế hoạch chi tiêu trước đó. Một phần trong số này được dùng để phát triển, mua chiến đấu cơ F-35 và chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Columbia. Dài 170m với lượng giãn nước 20.810 tấn, đây sẽ là tàu ngầm lớn và mạnh nhất mà Mỹ từng hạ thủy.
Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ đã củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines qua việc tiến hành nhiều cuộc tập trận, tăng cường hỗ trợ quân sự. Mỹ cũng ra sức xây chắc liên minh với Anh và Úc, trong đó cam kết bán 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí quy ước cho Canberra vào năm 2030 theo thỏa thuận AUKUS.
HẠNH NGUYÊN (Theo Conversation)