13/10/2019 - 17:42

Bùng phát viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ 

Gần 1 tháng nay, lượng bệnh nhi bị bệnh lý  hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ tăng gấp 2-3  lần so với tháng trước. Lượng bệnh tăng đột biến, dẫn đến tình trạng 2 bé nằm chung giường và tận dụng cả hành lang của bệnh viện.

Lượng bệnh tăng nhanh

Chị Mai Thị Mỹ Thanh, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Con tôi bị ho, sốt cao, khò khè, đưa đi bác sĩ tư, uống thuốc mấy ngày không giảm, nên tôi đưa vô cấp cứu ở BVNĐ TP Cần Thơ. Trẻ bị bệnh hô hấp nhiều quá, nên bé phải nằm ghép đôi với một cháu khác”. Thống kê của BVNĐ TP Cần Thơ, những tháng trước, lượng bệnh nhi chỉ dao động khoảng 60-70 cháu/ngày nhưng khoảng gần 1 tháng nay, lượng bệnh nhi trong Khoa Hô hấp dao động từ 180-220 bệnh/ngày. Trong đó, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài Khoa Hô hấp, Khoa Nội tổng hợp cũng được tăng cường điều trị bệnh hô hấp nhưng cũng không đủ giường nằm cho trẻ.

Điều dưỡng Trưởng Khoa Hô hấp Nguyễn Thị Như Mai thăm hỏi, tư vấn cho mẹ có 2 con sinh đôi bị bệnh lý hô hấp.

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết, các năm trước vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, lượng bệnh nhi bị bệnh hô hấp tăng nhưng năm nay tăng cao hơn so với mọi năm. Có ngày lượng bệnh nhi bị hô hấp nhập viện điều trị lên đến trên 400 trẻ. Trước tình hình bệnh hô hấp tăng đột biến, hai Khoa Hô hấp và Khoa Nội tổng hợp cùng tham gia điều trị bệnh hô hấp. Khoa Hô hấp thực kê 160 giường bệnh, Khoa Nội tổng hợp thực kê 120 giường. Tuy tăng thêm Khoa Nội tổng hợp nhưng vẫn không đủ giường nằm cho bệnh nhi. Khoa cũng tăng cường cho các bác sĩ làm ngoài giờ, làm lệch giờ.

Theo bác sĩ Dễ, bệnh viện có 600 giường kế hoạch, nhân sự phục vụ đủ cho số giường này nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và hô hấp đều tăng, dẫn đến lượng bệnh nhi điều trị nội trú lên đến 1.000 - 1.100 bệnh/ngày, ngoại trú 3.000 bệnh/ ngày, bệnh tăng gấp đôi khiến cho các thầy thuốc quá tải. Bệnh viện tăng cường cho xuất viện cả ngày thứ 7, Chủ nhật để giảm áp lực.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm My, Khoa Hô hấp BVNĐ TP Cần Thơ, cho biết: “Nguyên nhân bệnh do thời tiết thay đổi đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi-rút tấn công, trong khi miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Nhất là trẻ dưới 24 tháng tuổi, trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, di chứng não... dễ bị nhiễm bệnh hơn các trẻ khác”. Theo bác sĩ Diễm My, viêm hô hấp thông thường kéo dài khoảng  5 - 7 ngày, tối đa hơn 10 ngày là khỏi. Nếu trẻ khò khè kéo dài, điều trị mà chỉ giảm triệu chứng mà không hết hẳn thì bác sĩ làm các cận lâm sàng chuyên sâu tìm nguyên nhân của bệnh.

Đa số trẻ đến khám ở phòng khám bị viêm hô hấp trên với các biểu hiện: ho, sổ mũi, chảy mũi trong... Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, chơi bình thường thì bác sĩ cho điều trị ngoại trú với thuốc hạ sốt, thuốc ho thông thường, thông thoáng đường mũi họng bằng nước mũi sinh lý kết hợp dinh dưỡng đầy đủ. Nếu trẻ sốt cao không hạ, có thở nhanh, khó thở, tím tái, ăn uống kém, lừ đừ, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.

Tăng cường phòng bệnh

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ đang bị viêm đường hô hấp, nên cho trẻ nghỉ học, chăm sóc tại nhà, môi trường sạch hơn và không lây nhiễm cho bé khác. Cho trẻ ăn thức ăn trẻ thích, mềm, dễ tiêu, bổ sung thêm dầu cá (cung cấp năng lượng, sức đề kháng cho bé), uống đủ nước (nước ép hoa quả giàu vitamin hỗ trợ tăng đề kháng cho trẻ); hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp... vì đường hô hấp đang bị viêm, niêm mạc dễ bị kích thích.

Theo Điều dưỡng Trưởng Khoa Hô hấp Nguyễn Thị Như Mai, đề phòng bệnh, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch, đúng tuổi, bú mẹ hoàn toàn để trẻ có kháng thể từ mẹ. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, hạn chế cho trẻ ra đường, để giảm các kích thích đột ngột cho trẻ. Nếu ra đường, cần mang khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ, tránh nằm điều hòa quá lạnh, để quạt gió quạt trực tiếp vào trẻ. Viêm hô hấp là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nên tốt nhất hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, uống…

Trong thực tế, có nhiều trường hợp khi trẻ bị viêm hô hấp, gia đình đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế hoặc phòng khám tư, uống thuốc 2-3 ngày không hết không yên tâm đổi  nơi khám khác.  Bác sĩ Diễm My cho biết: Đa số bệnh nhi bị viêm hô hấp do vi-rút, thầy thuốc chỉ cho thuốc hỗ trợ, tức là giảm 1 phần triệu chứng, trẻ không thể khỏe ngay mà cơ thể dần tự “ổn” sau 7-10 ngày. Trẻ bệnh thường ăn kém, quấy khóc…, gia đình chăm sóc rất mệt nên tưởng con mình nặng hơn hay không thuyên giảm thì sốt ruột, đổi thuốc, đổi bác sĩ và có nguy cơ lạm dụng kháng sinh. Nếu em bé uống nhiều kháng sinh, khi bị bệnh không đáp ứng với kháng sinh hiện có và ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, diệt vi khuẩn có lợi, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa. Nếu sử dụng kháng sinh thì trẻ phải dùng đủ ngày, đủ liều.

Theo các bác sĩ, viêm đường hô hấp trên nếu không được xử trí đúng và kịp thời sẽ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới. Khi trẻ nằm viện, gia đình không nên tự ý cho trẻ về nhà... vì nếu bé trở nặng, sốt cao, co giật thì gia đình không xử lý được.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết