17/06/2019 - 23:03

Boeing thất thế tại Triển lãm hàng không Paris 

Triển lãm hàng không Paris (PAS) tại Pháp lâu nay là nơi tranh giành đơn đặt hàng máy bay của hai “ông lớn” Airbus và Boeing. Tuy nhiên, sự kiện năm nay, diễn ra từ ngày 17 đến 23-6, là câu chuyện hoàn toàn khác.

Hơn 100 máy bay thương mại và quân sự được trưng bày tại PAS 2019. Ảnh: Bloomberg

Hơn 100 máy bay thương mại và quân sự được trưng bày tại PAS 2019. Ảnh: Bloomberg

Sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn hàng không liên quan đến dòng máy bay 737 Max khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng trong vòng 5 tháng và phải cho “nằm đất” sản phẩm chủ lực này, Boeing rơi vào cuộc khủng hoảng. Trong 3 tháng qua, Boeing đã đạt được những tiến bộ trong việc khắc phục lỗi kỹ thuật ở 737 Max. Chưa rõ khi nào  737 Max bay trở lại, nhưng một điều chắc chắn là tại PAS 2019, hãng sản xuất máy bay của Mỹ phải ra sức thuyết phục khách hàng và các nhà cung ứng rằng họ đã có chiến lược để đối phó với mọi tình huống. Một ngày trước khi triển lãm khai mạc, Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg thừa nhận: “Chúng tôi đến với PAS bằng thái độ khiêm nhường và học hỏi”. Vị này cho biết Boeing đã “sai lầm” trong cách thức xử lý vấn đề hệ thống cảnh báo bị lỗi của máy bay 737 Max trước khi xảy ra 2 sự cố thảm khốc, đồng thời cam kết về sự minh bạch khi hãng nỗ lực khắc phục để dòng máy bay trên được phép hoạt động trở lại. Trước đó, trên Twitter, ông Muilenburg cũng đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ khắc phục hệ thống chống thất tốc tự động trên dòng 737 Max- lỗi được cho là “thủ phạm” khiến hai chiếc Boeing 737 Max 8 của hai hãng hàng không  Lion Air (Indonesia) và Ethiopia Airlines rơi lần lượt vào tháng 10-2018 và 3-2019.

Dòng máy bay 737 Max phải “trùm mềm” đặt ra trở ngại lớn nhất đối với Boeing khi tham dự triển lãm lần này. Trong khi phần lớn chuyên gia trong ngành hàng không tin rằng Boeing 737 Max sẽ an toàn tuyệt đối sau khi thực hiện những thay đổi về huấn luyện phi công, buồng lái và phần mềm điều khiển, phía Boeing sẽ phải ra sức thuyết phục người sử dụng mỗi ngày. Thế nên, thậm chí lãnh đạo các hãng hàng không không lo ngại về tính an toàn của 737 Max, thì họ vẫn có thể lưỡng lự đặt hàng mới ngay lúc này do lo sợ phản ứng từ hành khách. Tại PAS, ông Muilenburg được cho cũng sẽ đối mặt với những yêu cầu bồi thường từ các hãng hàng không do họ phải tìm những loại máy bay khác hoặc hủy toàn bộ các chuyến bay sau khi 737 Max “nằm đất”.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Boeing ước tính cuộc khủng hoảng 737 Max khiến họ thiệt hại đến 1 tỉ USD, nhưng con số này chắc chắn sẽ còn tăng nếu “chim sắt” nằm đất lâu hơn. Boeing hiện có 140 chiếc 737 Max đậu tại bãi chờ chuyển giao cho khách và sản lượng máy bay hàng tháng đã giảm xuống còn 42 chiếc so với 52 trước đây. Không chỉ đau đầu với 737 Max, Boeing còn phải gác lại kế hoạch ra mắt máy bay mới có kích cỡ trung bình mà cách đây vài tháng còn được dự báo sẽ thống trị triển lãm vốn được tổ chức 2 năm một lần này.

Trong bối cảnh Boeing phải bơi ngược dòng như thế, Airbus khai thác bất lợi của đối thủ bằng cách tung ra A321XLR- phiên bản máy bay dân dụng có tầm bay cực xa của A321neo. Mẫu A321LR hiện nay có thể bay xa đến 7.408km, trong khi A321XLR được thiết kế bay xa hơn khoảng 20%. Nhiều hãng máy bay Mỹ đã quan tâm đến A321XLR, bao gồm American Airlines, JetBlue Airways và United Continental cũng như một số hãng khác như International Airlines Group, AirAsia và IndiGo. Trong đó, JetBlue Airways tuần rồi cho biết có thể đổi các đơn hàng hiện nay sang mẫu A321XLR. Với đà này, Airbus được cho có thể giành được hàng trăm đơn đặt hàng A321XLR tại PAS.

Nhìn chung, doanh số máy bay dự kiến sẽ giảm so với Triển lãm hàng không Farnborough (Anh) hồi năm ngoái. Tập đoàn tư vấn hàng không IBA dự báo đơn đặt hàng ở PAS sẽ chỉ đạt tổng cộng 575 chiếc, trong đó 435 chiếc sẽ lọt vào tay Airbus. Tại Farnborough, từng có gần 1.000 đơn hàng máy bay, bao gồm 528 chiếc trị giá 79 tỉ USD của Boeing so với 431 chiếc trị giá 62 tỉ USD của đối thủ đến từ châu Âu.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu của châu Âu

Nếu triển lãm Franborough 2018 là nơi ra mắt của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ sáu của Anh- Tempest, thì PAS 2019 có thể là năm của máy bay chiến đấu trong tương lai FCAS. Tây Ban Nha, Pháp và Đức xem dự án phát triển FCAS là “tiêm kích thế hệ thứ sáu”. Đầu năm nay, hãng Dassault của Pháp và một nhánh của Airbus tại Đức đã giành được hợp đồng 74 triệu USD nghiên cứu mẫu thiết kế máy bay chiến đấu này, dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2040. Do vậy, triển lãm ở Paris được xem là cơ hội để hai công ty trên “khoe” mẫu thiết kế máy bay mới. 

Được biết, máy bay thế hệ mới nằm trong nỗ lực hợp nhất sức mạnh quân sự của châu Âu cũng như giảm phụ thuộc vào các thiết bị của Mỹ. Trong khi các đồng minh sốt sắng, thì Hải quân và Không quân Mỹ lại “im hơi lặng tiếng” về các chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu (sau F-35) của họ.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg, AFP)

Chia sẻ bài viết