NGUYỄN KIỀU VÂN KHÁNH
(Biên soạn và viết theo tư liệu do Thiếu tướng Vũ Cao Quân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 làm chủ biên: “DƯƠNG TỬ- MỘT ĐỜI CHINH CHIẾN”)
|
|
Trong kháng chiến chống Mỹ, do bí mật quân sự, nhân dân ta rất ít biết phiên hiệu của các đơn vị Giải phóng quân, mà chỉ biết và gọi bộ đội gắn với tên người chỉ huy bằng sự ngưỡng mộ, thân thương như gởi trọn niềm tin. Hồi Đồng khởi, Nhân dân Bến Tre gọi “Bộ đội ông Cống”, lúc chiến tranh chống Mỹ quyết liệt cam go, ở miền Tây Nam Bộ, nhân dân Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau… có câu cửa miệng “Bộ đội Dương Tử”... Mỗi địa phương có tên một đơn vị gắn với người chỉ huy như vậy. Hay nơi nào bọn lính đồn ác ôn cứ vào làng càn quét bắn giết dân lành, đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ, cô bác đinh ninh: “Tụi này ác quá. Thế nào bộ đội của ông... cũng về đập cho nó một trận tan tành”. Và Thứ Mười Một là một trận đánh chúng tan tành như vậy.
Giai đoạn 1969-1972 là giai đoạn khó khăn gian khổ nhất, lực lượng vũ trang ta bị tiêu hao nhiều sau các đợt tiến công năm 1968, chưa được bổ sung kịp thời. Trong khi đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn lại đẩy mạnh thực hiện chương trình bình định, lấn chiếm nhanh chóng các vùng nông thôn rộng lớn. Về cơ bản ở chiến trường miền Tây Nam Bộ địch chiếm hầu hết vùng nông thôn (trừ U Minh Hạ và vùng giải phóng phía Nam Cà Mau), cơ sở của ta bị chúng đánh bật hoặc thiệt hại nặng. Căn cứ địa U Minh của ta là mục tiêu tấn công thường xuyên, liên tục, đầy khốc liệt của địch. Trung đoàn 1 được rút lên, chủ yếu cơ động tại các địa bàn Rạch Giá - Cần Thơ nhằm thực hiện yêu cầu của Quân khu 9 vừa phòng ngự bảo vệ căn cứ địa miền Tây, vừa tiến công đánh bại ý đồ “nhổ cỏ U Minh” của chúng.
Để hạ uy thế kẻ địch đang hung hăng càn quét căn cứ U Minh, Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 U Minh Dương Tử trực tiếp xuống Tiểu đoàn 309, cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn nghiên cứu, lên phương án tấn công thắng lợi hàng loạt mục tiêu: liên tiếp 6 tàu chiến của giặc bị tiêu diệt trên vịnh Thầy Mười (Vĩnh Tuy, Gò Quao - Kiên Giang), loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội của Lữ đoàn A Thủy quân lục chiến, xoá sổ đồn Rạch Dứa cùng đại đội bảo an...
Cuối năm 1969, Dương Tử nhận nhiệm vụ Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh. Thời điểm này, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định tập trung lực lượng đánh cụm phòng ngự hỗn hợp Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Đây là căn cứ quân sự lớn nằm trên kinh xáng Xẻo Rô, án ngữ tuyến giao thông quan trọng từ Rạch Giá đi Cà Mau, cửa ngõ vào rừng U Minh Thượng, căn cứ đầu não của miền Tây, nó cũng nằm trên cung đường của con đường chiến lược 1C chuyển quân và vũ khí từ Trung ương qua Vĩnh Tế, Ba Hòn về căn cứ địa Rạch Giá - Cà Mau. Tại đây, địch tập trung và dàn lực lượng bố trí dọc hai bờ kinh xáng gồm nhiều binh chủng như Lữ đoàn B Thủy quân lục chiến, Giang đoàn 74, pháo binh... với quân số trên 750 tên do tên đại tá lữ đoàn trưởng cùng một số cố vấn Mỹ chỉ huy. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ thường xuyên của hải quân (pháo hạm từ biển), không quân (cả máy bay B52)... Từ đây chúng tổ chức các đợt tấn công, đánh phá vào vùng U Minh, đầu não kháng chiến của miền Tây Nam Bộ.
Chiến sĩ Trung đoàn 1 U Minh hôm nay.
Xác định đây là trận đánh then chốt, quyết định để đánh bại chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” của địch, ta tập trung lực lượng mạnh nhất của Quân khu gồm Trung đoàn 1, Trung đoàn 2, Tiểu đoàn pháo hỗn hợp 2011... Theo phương án, Trung đoàn 1 sẽ giữ hướng tập kích chủ yếu, ta sẽ luồn sâu dùng bộc phá đánh sập ngay đầu não là Sở chỉ huy Lữ đoàn B Thủy quân lục chiến, sau đó sẽ áp dụng lối đánh “nở hoa trong lòng địch” bung ra tấn công kết hợp từ ngoài đánh vào rồi quét ngược trở lại tiêu diệt các mục tiêu dọc hai bờ kinh xáng. Phương án được Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh và Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Võ Văn Kiệt phê duyệt.
Đêm 5-11-1969, cả 3 tiểu đoàn 303, 309 và 307 (thiếu) của Trung đoàn 1 do đồng chí Dương Tử chỉ huy đã hành quân từ nhiều hướng bí mật áp sát mục tiêu. Bước sang ngày mới (6-11) khoảng một tiếng, trận đánh mở màn bằng khối bộc phá nặng 8kg do tổ đồng chí Lý Thanh Hùng (Đại đội 1 Tiểu đoàn 309) phụ trách đã lập tức đánh sập hoàn toàn Sở chỉ huy Lữ đoàn B khiến Đại tá Lữ đoàn phó cùng một số sĩ quan chết tại chỗ. Toàn bộ căn cứ của địch trải dài hơn một cây số chìm trong biển lửa. Bọn địch tê liệt ngay từ đầu. Các mũi, các tổ chiến đấu của ta dùng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên AK... tung hoành tác chiến khắp trận địa. Các mục tiêu trên bờ (Sở chỉ huy Tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến, trận địa cối, đại đội thông tin, công vụ...) và dưới lòng kinh xáng có hàng chục tàu chiến cũng bị tấn công dồn dập, dữ dội.
Chỉ sau hơn 2 tiếng chiến đấu, ta đã lập chiến công hiển hách: xóa sổ hoàn toàn cụm phòng ngự hỗn hợp Thứ Mười Một, loại khỏi vòng chiến đấu 680 tên trong tổng số 750 tên địch, có 4 cố vấn Mỹ, tất cả sở chỉ huy các đơn vị của địch bị tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng, nhận chìm 8 tàu chiến (có tàu chỉ huy dài gần 50m), 6 chi đoàn xe bọc thép M113, 1 giang đoàn; phá huỷ 3 khẩu pháo 155mm và 3 khẩu pháo 105mm, 11 súng cối, 3 khẩu ĐKZ, 7 đại liên, thu hàng chục máy thông tin và nhiều súng các loại.
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, chiến thắng vang dội cụm phòng ngự hỗn hợp Thứ Mười Một càng đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng của Trung đoàn 1 và các lực lượng tham gia. Qua đó cho thấy khả năng tập trung sinh lực, hỏa lực trong thời gian ngắn; sự hiệp đồng và trình độ tác chiến đạt hiệu suất rất cao của lực lượng vũ trang Quân khu 9.
Cả cụm phòng ngự hỗn hợp với nhiều quân binh chủng, với sự hỗ trợ vũ khí hiện đại tầm gần, tầm xa (máy bay, pháo hạm từ biển...) đã bị đập nát chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Thiệt hại quá nặng, quá đau khiến không chỉ chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” lần thứ nhất, mà cả hàng loạt kế hoạch hành quân càn quét, bao vây khác như căn cứ Ba Hòn tại Châu Thành A, tỉnh Rạch Giá của địch phải hủy bỏ.
Chiến thắng vang dội ấy một lần nữa minh chứng cho ý chí kiên cường của Trung đoàn 1 U Minh anh hùng “Đi là chiến thắng, đánh là diệt gọn” và tài chỉ huy xuất chúng của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Dương Tử - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh, nguyên Sư đoàn trưởng Sư 339.
KÝ ỨC VỀ ANH HÙNG DƯƠNG TỬ
|
Đồng chí LÊ PHƯỚC THỌ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và Tỉnh ủy Hậu Giang:
Thời chống Mỹ có thời gian tôi làm Tỉnh đội trưởng sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nên biết rất rõ về Tiểu đoàn Phú Lợi và đồng chí Dương Tử, Tiểu đoàn trưởng.
Tiểu đoàn Phú Lợi có công rất lớn trong việc bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy, tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch. Dương Tử là một đồng chí trung kiên, dũng cảm, đánh giặc giỏi. Dương Tử sống tình cảm, sau này cũng thường ghé nhà thăm tôi.
Thiếu tướng TRẦN VĂN NIÊN, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9:
Trong thời chiến tranh chống Mỹ, Đoàn 6 pháo binh Quân khu 9 do tôi phụ trách đã hợp đồng chiến đấu rất nhiều trận với đơn vị của anh Dương Tử và rất hiệu quả, đúng yêu cầu của trên đề ra. Anh ấy chiến đấu rất dũng cảm và làm công tác dân vận cũng rất tốt. Bà con lúc đó thường gọi đơn vị của anh là “Bộ đội Dương Tử”. Dương Tử là người có cá tính rất đặc biệt. Ra trận, lính Dương Tử tóc chải đầu tém chỉn chu. Ổng nói “chết cũng phải đẹp đối phương mới nể”.
Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 HUỲNH XUÂN PHONG:
Ở chiến trường miền Tây Nam Bộ hầu như ai cũng biết danh Dương Tử. Tụi tôi hay gọi anh Hai Dương Tử là tướng quân, dù anh chỉ mang cấp bậc Đại tá. Tôi đặc biệt ấn tượng ở anh là chỉ huy rất quyết đoán, đã quyết đã nói là phải làm, làm thì có hiệu quả cụ thể.
Anh rèn lính rất nghiêm, nhất là tư tưởng, tinh thần chiến đấu. Vì vậy lính của Dương Tử ai cũng “lỳ”,” đánh chết bỏ”, người nào lượng sượng thì khó hòa đồng trong đơn vị được lắm. Nhưng anh Hai cũng rất thương lính. Đặc biệt anh có cách đánh rất táo bạo, hiểm hóc, chấp nhận lấy ít địch nhiều, luồng sâu đánh hiểm. Hai trận đánh sau khi anh về chỉ huy Tiểu đoàn 309 đợt lll Xuân Mậu Thân 1968 (cụm pháo Bình Thủy) có hiệu quả và ý nghĩa rất lớn thời điểm đó đã chứng minh rõ điều này. Nhiều trận đánh do anh chỉ huy đều gây rúng động kẻ thù, khiến chúng rất sợ hãi mỗi khi biết đụng độ với “Bộ đội Dương Tử”.
|