11/01/2011 - 09:10

Khủng hoảng nợ khu vực đồng euro

Bồ Đào Nha trở thành điểm nóng

Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone tiếp tục căng thẳng. Ảnh: AP

Sau thời gian tạm lắng, cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro (Eurozone) bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, khi Bồ Đào Nha vất vả thuyết phục các nhà đầu tư mua trái phiếu nước này và các nước gây sức ép yêu cầu Lisbon cầu viện gói giải cứu quốc tế.

Bồ Đào Nha hy vọng sẽ tăng thêm nguồn quỹ trong phiên đấu thầu trái phiếu vào ngày 12-1, bất chấp tình trạng bán tháo trên thị trường vài ngày qua đẩy lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này tăng hơn 7% hôm 7-1, mức cao nhất từ khi đồng euro ra đời. Các chuyên gia kinh tế cho rằng chi phí vay cao như vậy là nguy cơ đổ vỡ đối với một quốc gia đang vất vả kiềm chế nợ công trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp. Nếu không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy Bồ Đào Nha đã đánh mất khả năng tiếp cận thị trường vốn, buộc nước này phải cầu viện.

Các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó đi đầu là Đức và Pháp, sẽ có vài tuần để thuyết phục Bồ Đào Nha nộp đơn xin vay giải cứu từ cơ chế hỗ trợ chung của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo quy định của Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF), được thành lập mùa hè vừa qua sau gói giải cứu trị giá 110 tỉ euro cho Hy Lạp, việc trợ giúp chỉ có thể được thực hiện một khi quốc gia đó yêu cầu giúp đỡ. Ireland đã trở thành nước đầu tiên đề nghị trợ giúp từ EFSF, khi vay 67,5 tỉ euro từ quỹ này và IMF. Chính phủ Ireland chỉ cầu viện sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu dọa cắt quỹ giải cứu khẩn cấp cho các ngân hàng Ireland.

Pháp và Đức lo rằng nếu Bồ Đào Nha tiếp tục “án binh bất động” bất chấp các nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào khả năng trả nợ của nước này, có thể dẫn tới sự hốt hoảng mới trên thị trường tài chính, vốn đang lan rộng tới các nước suy yếu khác trong Eurozone, nhất là Tây Ban Nha và Bỉ.

N. MINH (Theo WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết