21/10/2020 - 05:28

BioCer - vật liệu sinh học phát triển trong lỗ thủng hộp sọ 

Để “vá” lỗ thủng trên hộp sọ bệnh nhân, các bác sĩ thường chọn cách ghép vào đó một mẩu xương lấy từ phần khác trong cơ thể họ hoặc dùng một mảnh thép hoặc nhựa cứng. Nhưng cả hai phương án này đều có nhược điểm khi vị trí lấy xương dễ phát sinh biến chứng, cũng như khó khắc xương sao cho vừa khít với lỗ thủng. Còn mảnh nhựa/thép thì không tương thích với cấu trúc xương thật nên dễ dẫn tới nhiễm trùng.

Để khắc phục những vấn đề trên, các nhà khoa học Thụy Điển đã phát triển thiết bị cấy BioCer (ảnh), làm từ vật liệu gốm sứ sinh học in 3D độc quyền và được lắp ráp trên một khung titanium có hình dáng giống như lỗ thủng cần lấp lại trên hộp sọ. Khi thiết bị được ghép vào lỗ thủng, các tế bào từ mô xương liền kề trong hộp sọ sẽ bắt đầu di chuyển vào BioCer, bắt đầu quá trình sinh sản bên trong lỗ thủng, còn mảnh ghép dần dần phân hủy sinh học. Cuối cùng, mảnh ghép sinh học sẽ được thay thế hoàn toàn bằng xương thực của bệnh nhân, chỉ còn lưu lại phần khung titanium.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Peter Thomsen nhận xét: “Sự kết hợp giữa thành phần của gốm và quá trình phân hủy chậm của nó trở thành điều kiện cực kỳ tốt cho quá trình hình thành xương ở những lỗ khuyết lớn trong sọ”. Theo Thomsen, quy trình mới sẽ cạnh tranh với các quy trình điều trị hiện có trong cấy ghép xương và cấy ghép bằng nhựa và kim loại. Họ đã thử nghiệm thành công BioCer trên cừu và đang thử nghiệm trên người.

Được biết, Viện Công nghệ Laser Fraunhofer (Đức) cũng đang phát triển một vật liệu có khả năng phát triển trong lỗ thủng hộp sọ mang tên Resobone.

HUY MINH (Theo New Atlas)

Chia sẻ bài viết