21/10/2021 - 21:13

Biến đổi khí hậu tàn phá sức khỏe con người 

Báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 21-10 cảnh báo về tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.

Một phụ nữ bất lực trước đám cháy rừng ở Hy Lạp hồi tháng 8 năm nay. Ảnh: FT

Tài liệu đã phân tích 44 chỉ báo sức khỏe toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm tử vong vì nắng nóng, bệnh truyền nhiễm và nạn đói. The Lancet cho rằng hạn hán sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực, nhiệt độ tăng “khuyến khích” sự lây lan của các bệnh như sốt rét, dịch tã và thảm họa thiên nhiên ngày càng dữ dội trút gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Những xu hướng khí hậu hiện nay báo hiệu “mã đỏ” cho sức khỏe trong tương lai.

Trong 6 tháng của năm 2020, 51,6 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi 84 thảm họa, như bão lũ và hạn hán xảy ra ở những quốc gia đang vật lộn với đại dịch COVID-19. Thế giới phải căng sức đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe, nên có ít tiến bộ trong việc bảo vệ con người trước những tác động cùng lúc của biến đổi khí hậu lên sức khỏe.

Xu hướng thời tiết trên tiếp diễn trong năm nay. “Nhìn lại năm 2021, người trên 65 tuổi hoặc dưới 1 tuổi, cùng với những trường hợp gặp bất lợi trong xã hội là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ cao kỷ lục hơn 400C tại các vùng của Mỹ và Canada thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hồi tháng 6”, các tác giả viết. Hiện tượng nắng nóng cực đoan khiến hàng trăm người chết này có thể sẽ không xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây nên.

Nhiệt độ tăng cũng đã làm gia tăng số tháng sốt rét có thể lây truyền kể từ thập niên 1950 và tăng số lượng khu vực lý tưởng cho bệnh tã lây lan. “Tiềm năng gây dịch bệnh của các virus” bao gồm sốt xuất huyết và Zika cũng đã tăng trên toàn cầu. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đã nhảy lên gấp đôi sau mỗi thập niên kể từ năm 1990. Những vùng duyên hải đủ ấm để vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày ruột Vibrio đã tăng ở khu vực Baltic, Ðông Bắc Mỹ và Tây Bắc Thái Bình Dương trong thập niên qua.

“Mối đe dọa lớn nhất” đối với sức khỏe con người

Trong tuyên bố chung hồi tháng rồi, hơn 200 tạp chí y khoa đã mô tả biến đổi khí hậu là “mối đe dọa lớn nhất” đối với sức khỏe người dân toàn cầu, qua đó thúc giục các nền kinh tế hàng đầu thế giới hành động nhiều hơn để trì hoãn tình trạng này. “Trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở những người trên 65 tuổi đã tăng hơn 50%. Nhiệt độ cao hơn đã làm gia tăng tình trạng mất nước và suy giảm chức năng thận, tăng số lượng bệnh nhân mắc ung thư da, bệnh nhiễm trùng nhiệt đới, kết quả xấu về sức khỏe tâm thần, biến chứng thai kỳ, dị ứng, bệnh tim mạch, phổi và số ca tử vong”, tuyên bố nêu rõ.

Lời kêu gọi được đưa ra vài tuần trước khi các lãnh đạo thế giới đến Glasgow (Anh) dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26). COP26 nhằm bảo đảm hành động khí hậu tham vọng hơn từ gần 200 quốc gia đã ký Hiệp định Paris 2015 để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu hiện đã tăng khoảng 1,10C. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc LHQ dự báo vào khoảng năm 2030, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể chạm tới ngưỡng 1,50C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết