23/05/2018 - 16:39

Biến CO2 thành đá vĩnh viễn 

Dù có diện tích nhỏ và cư dân thưa thớt, Iceland lại nằm trong tốp những quốc gia sử dụng 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo như thủy điện, khai thác lượng mưa dồi dào từ các vùng núi cao và địa nhiệt từ những ngọn núi lửa.

Một trong những nhà máy địa nhiệt chính của Iceland và lớn nhất thế giới là Hellisheidi nằm cách Thủ đô Reykjavik 25km. Không chỉ cung cấp năng lượng sạch phục vụ đời sống người dân, đây còn là nơi thí nghiệm công nghệ “khoáng hóa” cácbon điôxít (CO2), tức chuyển đổi loại khí thải ô nhiễm này thành đá vĩnh viễn.

Mẫu đá bazan ban đầu (trái) và mẫu đá có chứa CO2 ở thể rắn màu trắng kết tủa bên trong​. Ảnh: BBC

Dự án có tên CarbFix là công trình do tập đoàn điện lực Reykjavík Energy dẫn đầu phối hợp Đại học Iceland, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện. Bắt đầu thí nghiệm vào năm 2014, nhóm nghiên cứu năm 2016 cho biết đã chuyển đổi thành công 95% trong tổng số 220 tấn khí CO2 thành đá vôi trong chưa đầy 2 năm. Từ dự án thí điểm, các nhà khoa học đã mở rộng thành giải pháp lâu dài, “làm sạch” 1/3 lượng khí thải cácbon của nhà máy. Quan trọng hơn, Tiến sĩ Edda Sif Aradottir kiêm giám sát Hellisheidi cho biết nhóm nghiên cứu và các kỹ sư đang thử nghiệm mô hình có thể áp dụng ở tất cả nhà máy điện, khu công nghiệp nặng hoặc bất kỳ nguồn phát thải CO2 nào.

Quá trình bắt đầu với việc thu thập khí thải CO2 từ hơi nước và hòa chúng vào nước tương tự quá trình tạo soda. Chất lỏng này sau đó được bơm xuống lòng đất ở độ sâu khoảng 1.000m. Khi tiếp xúc với đá bazan, phản ứng hóa học giữa lượng lớn canxi, magiê, sắt trong đá với CO2 và nước được bơm giúp biến loại khí thải này thành dạng rắn chỉ sau 400 ngày và ngăn nguy cơ chúng rò rỉ ngoài khí quyển trong hàng triệu năm. Đáng nói, tốc độ này nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán của giới khoa học, rằng phải mất hàng chục hoặc thậm chí hàng ngàn năm để biến CO2 thành đá. Điểm yếu của mô hình này là rất tốn nước khi cần tới 25 tấn nước để chuyển 1 tấn CO2 thành dạng rắn.

Năm ngoái, dự án CarbFix đã xử lý khoảng 10.000 tấn CO2. Tuy con số này tương đối nhỏ so với 30-40 tỉ tấn CO2  mà con người đang thải vào khí quyển hàng năm, các chuyên gia cho biết mô hình này có thể dễ dàng nhân rộng do đá bazan rất phổ biến với mật độ bao phủ hầu hết các tầng đại dương và 10% lục địa Trái đất. Các vùng tập trung đá bazan có thể kể đến là Siberia, Tây Ấn Độ, Saudi Arabia và Tây Bắc Thái Bình Dương. Hiện dự án CarbFix vẫn được giám sát tại Đại học Iceland và các nhà khoa học đang có ý định thử nghiệm mô hình này trên các đại dương.

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết