02/12/2021 - 08:37

Bí ẩn nơi bắt nguồn biến thể Omicron 

Theo dữ liệu mới của giới chức Hà Lan, biến thể Omicron đã có mặt tại châu Âu trước khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi.

Xét nghiệm COVID-19 cho hành khách vừa đến Hà Lan hôm 30-11. Ảnh: AFP

Xét nghiệm COVID-19 cho hành khách vừa đến Hà Lan hôm 30-11. Ảnh: AFP

Trong một tuần kể từ khi Nam Phi báo cáo biến thể Omicron cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng chục quốc gia đã áp đặt những hạn chế đi lại, chủ yếu nhắm vào các nước phía Nam châu Phi, nhằm bảo vệ công dân mình trước biến chủng được liệt vào danh sách “đáng lo ngại” này.

Tuy nhiên, lệnh cấm trên nhiều khả năng không có tác dụng bởi Viện Y tế và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM) hôm 30-11 thông báo Omicron đã hiện diện tại nước này trước khi Nam Phi chính thức báo cáo những ca nhiễm đầu tiên hôm 25-11. Cụ thể, chủng mới được phát hiện trong 2 mẫu xét nghiệm lấy vào ngày 19 và 23-11, trong đó một trường hợp không có lịch sử đi lại. “Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác định một số biến thể phụ khác nhau của Omicron. Điều này có nghĩa là mọi người rất có thể đã bị nhiễm độc lập với nhau, từ các nguồn khác nhau và ở các địa điểm khác nhau”, RIVM nói thêm về 2 ca mới. Chantal Reusken, nhà nghiên cứu virus của RIVM, nghi ngờ một trong 2 người này có thể đã nhiễm virus tại Hà Lan. Hiện các cơ quan chức năng Hà Lan đang phối hợp để truy vết chuỗi lây nhiễm trên, trong khi nhiều nghiên cứu khác nhau sẽ được thực hiện để đánh giá quy mô lây nhiễm của biến thể Omicron tại quốc gia Tây Âu này.

Trước đó, Hà Lan cho rằng những trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên mà nước này phát hiện là 14 hành khách trên các chuyến bay từ thành phố Johannesburg và Cape Town của Nam Phi hạ cánh xuống phi trường ở Amsterdam ngày 26-11. Với tổng cộng 16 trường hợp đã được xác nhận, Hà Lan hiện là một trong số những quốc gia có số ca nhiễm Omicron cao nhất tại châu Âu.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy Omicron có thể đang lây lan bên trong cựu lục địa, giới chức Đức đã phát hiện một người đàn ông nhiễm biến chủng này mặc dù trước đó không xuất cảnh hoặc tiếp xúc với bất cứ ai. 

Thông báo mới nhất từ giới chức Hà Lan càng làm phức tạp thêm câu hỏi Omicron xuất phát tại nước nào và vào thời điểm nào. Đến nay, giới khoa học vẫn chưa xác định được thời điểm và địa điểm bắt nguồn của Omicron. Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID, các ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Nam Phi được lấy mẫu hôm 9-11, là hai người đàn ông ở Johannesburg, sau đó biến chủng lan sang Botswana. Tuy nhiên, vài ngày sau khi Nam Phi thông báo với WHO về Omicron, Botswana cho biết họ phát hiện 4 trường hợp nhiễm biến chủng này là những nhà ngoại giao nước ngoài nhập cảnh hôm 7-11, theo Kênh NPR. Biến thể Omicron hiện đã lan sang ít nhất 20 quốc gia trên thế giới với tổng cộng 226 ca dương tính.

WHO đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại 

Người chưa hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng. WHO đưa ra khuyến nghị trên ngày 30-11 trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron mà cơ quan này đánh giá là có nguy cơ “rất cao” lây lan toàn cầu.

Khuyến cáo của WHO nêu rõ: “Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng”.  Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại. 

Khuyến nghị của WHO nhấn mạnh “tất cả các biện pháp cần phải tương xứng với nguy cơ lây nhiễm, hạn chế thời gian áp dụng và tôn trọng phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản”. Ngoài ra, “hoạt động đi lại quốc tế thiết yếu”, bao gồm các sứ mệnh nhân đạo, vận chuyển hàng thiết yếu, phải luôn được ưu tiên trong thời kỳ dịch bệnh này.

WHO đánh giá rằng các lệnh cấm đi lại đại trà không ngăn được biến thể Omicron lây lan trên toàn cầu trong khi những lệnh cấm như vậy tạo gánh nặng đối với đời sống của người dân. Ngoài ra, những biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực y tế toàn cầu vì khiến các nước không muốn thông báo và chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước bình tĩnh và có sự phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp hợp lý ứng phó với Omicron, tránh tình trạng làm trầm trọng thêm vấn đề khi ở thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ các nguy cơ từ biến thể này.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, NY Times)

Chia sẻ bài viết