26/12/2022 - 08:31

Bệnh mất ngủ - cần xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Ths.BS Nguyễn Thanh Tân, Phó Trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ bị mất ngủ. Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, người bệnh cần tháo gỡ những khúc mắc bên trong, tập các thói quen lành mạnh để lấy lại giấc ngủ ngon.

Khi bị rối loạn giấc ngủ kéo dài trên một tháng, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Trong ảnh: BS Thanh Tân thăm khám, tư vấn cho một trường hợp mất ngủ. 

Theo BS Thanh Tân, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở nhiều bệnh nhân các lứa tuổi khác nhau. Gần đây, người trẻ bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn, tập trung ở độ tuổi trung bình từ 20-40 tuổi. Ða phần do tâm lý lo lắng, căng thẳng với các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, nhiều người chưa có thói quen “vệ sinh giấc ngủ” như đi ngủ - thức dậy đúng giờ, hạn chế các chất kích thích như trà, cà phê, hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh trước khi đi ngủ, tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày. Vì thế, khi gặp phiền muộn trong cuộc sống, người bệnh dễ ảnh hưởng tâm lý, rối loạn giấc ngủ. Một số trường hợp không nhận ra họ đang lo lắng. Trong những cơn thức giấc ban đêm, bệnh nhân chợt nhớ lại chuyện quá khứ, những chuyện không vui, trắc trở, chưa hoàn thành rồi trằn trọc, suy tư, lo lắng, không ngủ được, lại lo lắng, thành vòng lẩn quẩn, lo nghĩ - mất ngủ - lo nghĩ,...

Theo BS Thanh Tân, mất ngủ chỉ là phần ngọn, là triệu chứng của tình trạng lo lắng, căng thẳng tinh thần quá mức. Bên cạnh đó, mất ngủ cũng có thể do những bệnh lý thực thể, như bệnh về tuần hoàn não gây mất ngủ. Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Mất ngủ thường xuyên khiến bệnh nhân bồn chồn, lo lắng, không tập trung trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Bệnh nhân có thể bị rối loạn hành vi, dẫn đến trầm cảm, tâm thần phân liệt hay có ý muốn tự tử. Bệnh nhân không có mối liên hệ kết nối với gia đình, bạn bè và xã hội, không được hỗ trợ kịp thời khiến bệnh kéo dài, ngày càng trầm trọng.

Vì thế, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn để bệnh nhân có thể giải tỏa căng thẳng, giảm lo lắng, nhìn cuộc sống bằng góc nhìn lạc quan hơn. Trước khi đi ngủ, người bệnh nên tập thói quen điều khiển ý nghĩ bản thân, thả lỏng, thư giãn, để tâm trạng nhẹ nhàng, an lòng hơn, dễ đi vào giấc ngủ sâu. Người mắc các bệnh lý khác ảnh hưởng giấc ngủ cần được chữa trị, đồng thời hỗ trợ thuốc điều trị mất ngủ cho người bệnh.

Theo phác đồ của Bộ Y tế, tình trạng mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, kéo dài ít nhất một tháng thì bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được thăm khám, điều trị và tư vấn kịp thời. Một số trường hợp tự ý mua thuốc ngủ về uống, kể cả thuốc có nguồn gốc thảo dược hay thực phẩm chức năng, đều có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Trên thị trường, một số loại thuốc và thực phẩm không rõ nguồn gốc được quảng cáo với công dụng trị mất ngủ, giúp ăn ngon, ngủ ngon nhưng thực chất có chứa thành phần corticoid, nếu sử dụng thường xuyên, kéo dài, cực kỳ gây hại cho sức khỏe.

Ngay cả đối với thuốc do bác sĩ kê toa, nếu dùng đúng chỉ định có thể mang lại hiệu quả và an toàn. Thông thường sử dụng trong thời gian ngắn, dưới 7 ngày. Ngược lại, việc lạm dụng có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Nếu sử dụng lâu dài có thể gây lệ thuộc thuốc và phản tác dụng. Sự lệ thuộc có thể bắt đầu sau khi sử dụng thuốc trong ít nhất một tháng, ngay cả với liều lượng quy định. Tự ý sử dụng thuốc kết hợp với các loại khác có thể gây đối kháng giữa các nhóm thuốc. Do đó, để tránh những nguy hiểm cho sức khỏe, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn và chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Ðại học Rutgers (Hoa Kỳ) cảnh báo về tình trạng dùng thuốc quá liều ở thanh thiếu niên được điều trị chứng rối loạn giấc ngủ bằng thuốc benzodiazepin. Các chuyên gia cho hay, các thuốc thuộc nhóm benzodiazepine có thể khiến người dùng bị lờn thuốc và lệ thuộc thuốc, buộc phải dùng liều cao hơn để đạt được kết quả như mong muốn. Việc dùng thuốc này thường xuyên, kéo dài, có thể gây đau đầu, chóng mặt, chán nản, lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc..., thậm chí có thể tử vong nếu dùng liều cao.

Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi có vấn đề về giấc ngủ, người bệnh cần được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp. Người bệnh không được tự ý tăng liều thuốc, chỉ sử dụng thuốc khi có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Bên cạnh đó, tập luyện lối sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giữ tinh thần thoải mái, để có giấc ngủ ngon vào ban đêm.    

 

Chia sẻ bài viết