25/07/2016 - 08:51

Bắt bớ tiếp diễn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 23-7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực hiện nhiều vụ bắt giữ mới, trong đó có trợ lý cấp cao và các thân nhân của giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7.

Các vụ bố ráp, bắt bớ liên tục diễn ra tại Thổ Nhĩ kỳ sau đảo chính. Ảnh: Reuters

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ Hails Hanci, người được miêu tả là "cánh tay phải" của giáo sĩ Gulen và chịu trách nhiệm chuyển tiền cho học giả Hồi giáo đang sống lưu vong tại Mỹ. Ông Hanci được cho đã đến Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày trước khi xảy ra vụ đảo chính khiến hàng trăm người chết.

Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Anadolu cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam trung tá Hakan Karakus, con rể của cựu Tư lệnh Không quân Akin Ozturk. Ông Ozturk bị coi là một trong những nhân vật chủ mưu đảo chính và đã bị bắt giữ trước đó. Cùng ngày, chính quyền Ankara cũng bắt giam cháu trai của giáo sĩ Gulen là Muhammet Sait Gulen. Theo Anadolu, Sait Gulen có thể sẽ bị buộc tội tham gia "tổ chức khủng bố". Đây là người thân đầu tiên của ông Gulen bị bắt giữ trong chiến dịch thanh trừng thời hậu đảo chính của Tổng thống Tayyip Erdogan. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết đến nay đã có hơn 13.000 người bị bắt, bao gồm hơn 1.300 cảnh sát, trên 8.800 binh sĩ, 2.100 thẩm phán và công tố viên cùng với gần 690 dân thường.

Không chỉ bắt bớ, Thủ tướng Yildirim còn tuyên bố sẽ giải tán lực lượng cận vệ của tổng thống (gồm 2.500 người) sau khi gần 300 thành viên của lực lượng này bị bắt sau đảo chính. "Lực lượng cận vệ của tổng thống sẽ không tồn tại nữa, (vì) hiện nay không có mục đích và không có nhu cầu"- Thủ tướng Yildirim khẳng định. Trong đêm đảo chính, các cận vệ này đã ập vào đài truyền hình TRT và buộc người dẫn chương trình đọc tuyên bố thiết quân luật và áp đặt lệnh giới nghiêm.

Song song đó, Tổng thống Erdogan ngày 23-7 cũng đã ký sắc lệnh cho phép cảnh sát có thể kéo dài thời gian giam giữ các nghi can lên 30 ngày mà không cần buộc tội (quy định trước đó là 4 ngày) và tuyên bố sẽ đóng cửa 1.043 trường tư, 1.229 tổ chức từ thiện và quỹ tài trợ, 19 nghiệp đoàn, 15 trường đại học và 35 cơ sở y tế bị nghi có liên hệ với giáo sĩ Gulen. Đây là sắc lệnh đầu tiên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong vòng 3 tháng sau vụ đảo chính bất thành. Tình trạng khẩn cấp đưa ra hôm 20-7 cho phép tổng thống và nội các soạn thảo dự luật mới và giới hạn hoặc đình chỉ các quyền và tự do mà không cần thông qua cơ quan lập pháp. Hiện có những lo ngại rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ đào sâu sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và những người chỉ trích chính phủ của Tổng thống Erdogan.

THANH BÌNH
(Theo AFP, Reuters, WSJ, Aljazeera)

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters, WSJ, Aljazeera)

Chia sẻ bài viết