19/09/2019 - 05:21

Bấp bênh tương lai ông Netanyahu 

Tương lai chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện khá mịt mờ khi mà kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy cánh hữu của ông không đảm bảo được đa số trong nghị viện.

Thủ tướng Netanyahu (trái) và đối thủ Benny Gantz. Ảnh: Daily Express

Thủ tướng Netanyahu (trái) và đối thủ Benny Gantz. Ảnh: Daily Express

Cuộc bầu cử quốc hội hôm 17-9 được giới chuyên gia nhận định là cuộc trưng cầu dân ý về số phận của ông Netanyahu - vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Israel và đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, đảng Likud của ông cùng các đảng cánh hữu khác và Do Thái chính thống tuy giành được đa số ghế tại quốc hội nhưng lại thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh với đảng thế tục theo đường lối cực hữu Yisrael Beytenu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman. Nguyên nhân là do bất đồng về việc miễn quân dịch cho thanh niên Do Thái chính thống. Bế tắc kéo dài buộc ông Netanyahu phải giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.

Kết quả kiểm  phiếu sơ bộ do Ủy ban bầu cử trung ương Israel công bố chiều 18-9 cho thấy Likud giành được 32 ghế, còn cả khối các đảng cánh hữu được 56/120 ghế quốc hội. Trong khi đó, đối thủ chính là đảng trung dung Xanh-Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz lãnh đạo cũng giành được 32 ghế và liên minh trung tả có 55 ghế.

Việc không đạt thế đa số cần thiết (61 ghế) đồng nghĩa đảng của ông Netanyahu và đối thủ Gantz sẽ gặp khó trong thành lập chính phủ mới; đặc biệt khi Yisrael Beiteinu giành được ít nhất 9 ghế và có thể tiếp tục đóng vai trò “kẻ kiến tạo vua”. Ông Lieberman ngay lập tức nhắc lại lời kêu gọi đàm phán thành lập “chính phủ quốc gia, tự do và rộng rãi” với lựa chọn duy nhất là liên minh 3 đảng Likud, Xanh-Trắng và Yisrael Beiteinu. Vị này trước đó từng khẳng định không tham gia liên minh với các đảng tôn giáo chính thống cực đoan - đối tác truyền thống của ông Netanyahu. Lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Gantz cũng đề nghị thành lập một chính phủ đoàn kết với Likud mà không có sự tham gia của Netanyahu (lý do là ông này có thể bị truy tố vì tội tham nhũng).

Trong khi đó, ông Netanyahu hôm qua không đưa ra tuyên bố chiến thắng hay thừa nhận thất bại mà cho biết đang chờ kết quả chính thức, đồng thời cam kết nỗ lực đàm phán trong những ngày tới để thành lập một chính phủ Do Thái mạnh mẽ mà không có sự tham gia của các đảng Arab. Đây là “chiêu bài” được ông Netanyahu sử dụng trong chiến dịch vận động để lôi kéo sự ủng hộ của các thành viên cực hữu, bất chấp cáo buộc phân biệt chủng tộc và phản đối từ thế giới Arab. Chiến lược này dường như phản tác dụng khi AP cho biết các đảng Arab trước nay chưa từng hiện diện trong Chính phủ Israel lại đạt được kết quả tích cực trong cuộc bầu cử vừa rồi với ít nhất 12 ghế, trở thành đảng lớn thứ ba trong quốc hội.

Hiện mọi sự chú ý đang tập trung vào Tổng thống Reuven Rivlin, người sẽ chọn ra ứng viên mà ông tin rằng có cơ hội tốt nhất để thành lập chính phủ liên minh sau khi tham khảo ý kiến các bên. Thủ tướng được chỉ định sẽ có 6 tuần để lập chính phủ. Nếu thất bại, Tổng thống Rivlin có thể trao cơ hội cho ứng viên khác với thời hạn 28 ngày. Nếu vẫn không thành công, Israel có thể tiếp tục đối mặt một cuộc bầu cử mới nhưng Tổng thống Rivlin đã nói sẽ cố gắng để tránh tái diễn kịch bản này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lieberman, người từng hai lần khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu sụp đổ, cũng cam kết sẽ không để xảy ra cuộc tổng tuyển cử thứ ba trong năm nay.

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết