18/11/2008 - 07:34

Bão số 10 đổ bộ vào hai tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận, suy yếu rất nhanh thành một vùng áp thấp

* ĐBSCL: Chủ động ứng phó tốt với cơn bão số 10

Chiều 17-11, bão số 10 đã đi vào địa phận hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và suy yếu rất nhanh thành một vùng áp thấp. Theo Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ. Một số nơi trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận có gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 16 giờ chiều 17-11 ở một số nơi như sau: Phú Lâm (Phú Yên) 105 mm, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) 138 mm, Bà Râu (Ninh Thuận) 177 mm...

Hồi 16 giờ, ngày 17-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,9 độ vĩ bắc, 108,8 độ kinh đông, trên địa phận hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6 (tức dưới 39 km/giờ). Tại Khánh Hòa, do ảnh hưởng trực tiếp của bão, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, kéo dài từ đêm 16 đến chiều 17-11. Nhờ triển khai tích cực các biện pháp phòng tránh, nên bão gây ít thiệt hại. Khi bão đổ bộ vào đất liền, hầu hết số tàu thuyền khai thác hải sản trong vùng biển của tỉnh đều về trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, tính đến 16 giờ ngày 17-11, toàn tỉnh có 87 chiếc tàu thuyền của ngư dân dù được neo đậu kỹ vẫn bị sóng biển đánh chìm; nặng nhất là các địa phương: thành phố Nha Trang (35 chiếc), huyện Ninh Hòa (42 chiếc), Vạn Ninh (6 chiếc). Một số nhà dân ở huyện miền núi Khánh Sơn bị tốc mái, nhưng chưa thống kê được. Một trường hợp chết người xảy ra tại thị xã Cam Ranh, do người này trèo lên mái nhà chằng chống và bị điện giật. Trước thời điểm bão đổ bộ, chính quyền thị xã Cam Ranh và huyện Cam Lâm (vốn được dự báo tâm bão sẽ đi qua), đã tổ chức di dời trên 870 hộ dân với hơn 3.340 người ở những vùng nguy hiểm, đến trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

* Ngay sau khi nhận Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL đã nhanh chóng, chủ động triển khai kế hoạch ứng phó tốt với cơn bão số 10. Tại TP Cần Thơ, ngày 17-11-2008, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND-TP, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN)-TP đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả nếu có bão xảy ra. Sau đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND-TP tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình phòng chống lụt bão ở các cồn trên sông Hậu, các huyện đầu nguồn, nhắc nhở các địa phương, nhân dân thực hiện tốt công tác phòng tránh, ứng phó bão số 10. Cùng ngày, Sở Giáo dục - Đào tạo TP chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học ngay chiều 17-11-2008, đợi cơn bão qua đi. Sở Y tế TP Cần Thơ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trong thành phố sẵn sàng ứng phó với bão số 10, phục vụ cấp cứu người dân. Tại Bến Tre, đến chiều 17-11, các huyện đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ, với tổng số 7.774 người khỏi nơi nguy hiểm (cồn bãi ven sông biển). 3.890 chiếc tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đã vào nơi trú đậu an toàn. Tại Long An, có khoảng 28.000 học sinh học sinh ở các khối cấp 1, 2 và mẫu giáo ở huyện Cần Giuộc và các xã Long Hựu Đông và thị trấn Cần Đước được nghỉ học ngay chiều 17-11 và đến hết ngày 18-11. Tại Tiền Giang, để đối phó với bão lũ và nguy cơ vỡ tuyến đê xung yếu tại ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền (sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hecta hoa màu của vùng đất ngọt hóa Gò Công), tỉnh đã huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ tiến hành gia cố tuyến đê. Trước đó, khoảng 20.000 người dân ở các xã ven biển của huyện Gò Công Đông đã di tản đến nơi an toàn. Điều này cho thấy, ý thức phòng tránh bão của người dân đã nâng lên. Tại tỉnh Bạc Liêu, đến chiều 17-11-2008, có trên 600 tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, còn gần 200 tàu thuyền hoạt động trên biển nhưng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên giữ liên lạc với các tàu thuyền và thông báo kịp thời diễn biến của bão số 10 để ngư dân phòng tránh. Còn tại Cà Mau hiện còn khoảng 500 tàu hoạt động trên biển nhưng tất cả các tàu đều liên lạc được với đất liền. Tỉnh đã chuẩn bị nhiều phương tiện, lực lượng sẵn sàng sơ tán dân khi bão số 10 xảy ra. Còn ở Kiên Giang, lực lượng BCH PCLB-TKCN các cấp được triển khai phổ biến ra dân, các biện pháp ứng phó bão, nhất là khu vực ven biển. Hải đội II-Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang thường xuyên ứng trực trên vùng biển Hà Tiên, Rạch Giá để kịp thời báo động cho tàu thuyền phòng tránh, nếu xảy ra bão.

NHÓM PV-CTV -TTXVN

Chia sẻ bài viết