Thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản (XDCB). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quá nhiều dự án (DA) ngổn ngang, chưa biết bao giờ hoàn thành. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc đối với người dân, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi công kéo dài, có thể là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhà thầu chưa tập trung nhân lực, phương tiện thi công, giá vật liệu xây dựng biến động... Việc thi công chậm các công trình XDCB đã nảy sinh nhiều nghịch lý, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
 |
Dự án tỉnh lộ 921 đã xây dựng xong phần đường từ nhiều năm qua, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều cây cầu chưa xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương. |
Nghịch lý đầu tiên là DA đường đã hoàn thành, nhưng DA cầu thì xây hoài không xong, dẫn đến không khai thác hết hiệu quả đầu tư của tuyến đường. Như DA tỉnh lộ 921 qua địa bàn hai huyện Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, hạng mục đường đã hoàn thành 3-4 năm nay, có nơi mặt đường đã có dấu hiệu xuống cấp, nhưng còn rất nhiều cây cầu chưa thi công, hoặc thi công dở dang. Do đó, các loại phương tiện 2 bánh lưu thông còn khó khăn huống hồ là xe 4 bánh, xe tải vào “ăn hàng”. Tuy nhiên, tỉnh lộ 923, đoạn từ Cái Răng đến Phong Điền, mới là DA “nổi tiếng” nhất trong chuyện “đường chờ cầu”. Hầu hết các cây cầu trên tỉnh lộ này đã được tháo dỡ, triển khai xây dựng mới, nhưng đến nay chưa có công trình cầu nào hoàn thành. Đáng lo ngại là do mật độ phương tiện đông đúc, nên một số cầu trên tuyến đường trọng điểm của vành đai du lịch thành phố, thường xuyên tắc nghẽn giao thông, thậm chí bị gãy, sập gây nhiều lo lắng cho người dân. Cũng trong tình trạng “đường chờ cầu” còn có DA xây dựng tỉnh lộ 926, tỉnh lộ 932 trên địa bàn huyện Phong Điền... Tất nhiên, tình trạng “đường chờ cầu” sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng thực hiện DA.
Ngược lại nghịch lý “đường chờ cầu” là nghịch lý “cầu chờ đường”. Như DA Cầu và đường qua Cồn Khương (quận Ninh Kiều) được khởi công từ năm 2005, đến giữa năm 2007 hạng mục cầu đã xây dựng 3/5 nhịp thì tạm ngưng thi công (từ tháng 9-2007). Lý do: không có mặt bằng để thi công hai nhịp nối bờ. Nhiều người nhận định, nếu cầu thi công xong thì cũng không phát huy tác dụng, vì hạng mục đường chưa được giải phóng mặt bằng xong, để tiến hành thi công. Ngoài ra, ở trung tâm thành phố có DA cầu Hưng Lợi, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cũng trong tình trạng tương tự: cầu xây xong nhưng không phát huy tác dụng do đường làm chưa xong. Cầu Hưng Lợi nối đôi bờ sông Cần Thơ, thuộc tiểu DA thành phần của DA đường Nam Sông Hậu, một tuyến đường quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố và nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Hiện nay, hình dáng của cây cầu “hoành tráng” này đã hình thành, nhưng chưa thể tiếp hai bờ, do chưa có mặt bằng. Trong khi đó, sau nhiều năm giải phóng mặt bằng phần đường nối từ đường Tầm Vu đến đường 3 Tháng 2 vẫn chưa hoàn tất, nên chưa thể thi công...
Từ sau khi chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, năm nào cũng vậy, trong các cuộc họp bàn về XDCB, hầu hết các chủ đầu tư đều than không được bố trí đủ vốn, nhà thầu thi công trì trệ, tiến độ xây dựng các DA chậm. Nhưng đến năm 2008, nhiều DA “xài” tiền không hết mà tiến độ xây dựng vẫn không chuyển biến. Đây cũng là nghịch lý trong công tác XDCB của thành phố.
7 tháng đầu năm 2008, giá trị XDCB trên địa bàn thành phố được 963 tỉ đồng, chỉ đạt 41,3% kế hoạch năm. Nhiều người dân chia sẻ với những khó khăn chung của công tác XDCB mà nhiều tỉnh, thành cả nước đang gặp phải, trong đó TP Cần Thơ không ngoại lệ. Nhưng, người dân kỳ vọng: thành phố đang phấn đấu trở thành đô thị loại 1, thì việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phải được đẩy mạnh, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc phải nhanh hơn và khối lượng XDCB phải lớn hơn. Hơn nữa, thành phố xác định chủ đề năm 2008 là “Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trong đó đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hàng không), đẩy mạnh việc chỉnh trang, nâng cấp và quản lý đô thị, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2009” thì nỗ lực này phải được nhân đôi!
Bài, ảnh: THỤY KHUÊ