16/06/2024 - 20:35

Báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ 

Đồng hành cùng lịch sử 99 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), báo chí Cần Thơ ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Trong đó, báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ, dù giữa mưa bom bão đạn, hiểm nguy, thiếu thốn, nhưng những nhà báo cách mạng đất Tây Đô vẫn chắc tay súng, vững tay bút. 21 năm báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) vẫn mãi là những trang sử tự hào.

Những tờ báo ra đời trong đạn bom, khói lửa

Ông Đặng Hồng nguyên là Trưởng Tiểu ban Thông tấn Báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ, đã có những hồi ức về giai đoạn này, in trong quyển “Tuyên huấn Cần Thơ thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ”, ấn hành năm 2016.

Tờ “Cần Thơ Quyết Thắng” số Xuân Nhâm Tý 1972.

Theo hồi ký của ông Đặng Hồng, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), Tỉnh ủy Cần Thơ đã cho ra đời báo “Hòa Bình Thống Nhất”. Đây là tờ báo đầu tiên khi mới bắt đầu thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, tiếp nối truyền thống của các tờ báo: “Việt Minh”, “Giết Giặc”, “Hiệp Nhứt”, “Cần Thơ Thông Tin Quân Dân Chánh” đã có từ thời chống Pháp ở Cần Thơ. Ông Trần Văn Sao, Phó Ban Tuyên huấn, được Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp giao nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự, phương tiện, căn cứ làm việc. Bộ phận biên tập chỉ có vài ba cán bộ như các ông Trần Văn Sao, Nguyễn Văn Thường. Đầu tháng 10-1954, bộ phận biên tập - in ấn bắt tay vào việc. Tại căn nhà của một bà má, có hầm bí mật bằng bê tông trong buồng, rộng 4x4m để chứa phương tiện dụng cụ in, cũng là nơi làm việc khi tình hình có giặc.

Năm 1959, giữa lúc Mỹ - Diệm ra sức thực thi luật phát xít 10/59, Tỉnh ủy Cần Thơ cho ra đời báo “Tranh Đấu” - cơ quan chiến đấu của Đảng bộ Cần Thơ - Đảng Lao động Việt Nam, thay báo “Hòa Bình Thống Nhất”, nhằm phù hợp với tính chất của giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn đồng khởi. Ông Trương Văn Diễn, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, là Chủ nhiệm và ông Huỳnh Thương, cán bộ Tuyên huấn, là Thư ký tòa soạn.

Trong 6 năm (1954-1960), báo “Hòa Bình Thống Nhất” và báo “Tranh Đấu” đã trở thành vũ khí sắc bén luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của cấp ủy. Nội dung bài vở, tin tức tập trung vào việc thông tin tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phát huy lòng yêu nước, đấu tranh chống Mỹ - Diệm... Theo ông Đặng Hồng, thời gian này, những người làm báo ở Cần Thơ gặp muôn vàn khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, giữa vòng kềm kẹp của Mỹ - Diệm. “Bộ phận biên tập phải hết sức gọn nhẹ, ăn ở, đi lại, làm việc phải tuyệt đối bí mật mới có thể bảo tồn lực lượng. Anh em luôn bám vào dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng đồng cam cộng khổ, sống chết với dân, được dân tin yêu, coi anh em như người thân trong gia đình” - ông viết trong hồi ký. Ông Đặng Hồng xúc động khi nhắc đến tình cảm của nhân dân, đã bất chấp hy sinh tính mạng, tự nguyện làm vách đôi, xây hầm bí mật để bảo vệ bộ phận biên tập làm việc và tránh giặc. Bà con cũng là những người canh gác giặc, nhất là khi có xảy ra bất trắc.

Giữa tháng 6-1961, tỉnh Cần Thơ tổ chức đại hội thành lập và làm lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ, chào mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trước 20.000 đồng bào, cán bộ và chiến sĩ. Với khí thế mới, Tỉnh ủy Cần Thơ ra mắt báo “Giải Phóng” - tiếng nói chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ, thay cho báo “Tranh Đấu”. Chỉ trong vòng 2 tháng khẩn trương, tập thể Ban Biên tập hoàn thành việc chuẩn bị và ra mắt số đầu tiên trong căn buồng nhà một bà mẹ ở rạch Càng Đước, xã Trường Long (nay thuộc huyện Phong Điền), trong buồng có hầm bí mật bê tông diện tích 4x6m. Trạm mật giao bài vở, nhận báo giữa nhà in và Ban Biên tập tại nhà của một nông dân ở cạnh vàm Cả Mã, bên bờ kinh xáng Xà No, xã Nhơn Nghĩa, chỉ cách đồn Vàm Xáng không quá 3km. Ông Trương Văn Diễn làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút và ông Huỳnh Thương làm Thư ký tòa soạn.

Báo Giải Phóng ngày một phát triển, từ vài ba người ban đầu đã lên đến có lúc hơn 20 cán bộ, biên tập viên, phóng viên. Tiểu ban Thông tấn Báo chí được thành lập sau đó có đủ các bộ phận. Lúc đầu, ông Huỳnh Thương làm Trưởng Tiểu ban, sau là ông Đặng Hồng. Đặc biệt, tại Đại hội các nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam (1963), ông Huỳnh Thương được đề cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam. Đây là vinh dự của báo chí Cần Thơ.

Cuối năm 1967, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ ra đời báo “Cần Thơ Quyết Thắng”, thay báo “Giải Phóng”. Sau Hiệp định Paris năm 1973, báo “Cần Thơ Quyết Thắng” được đổi thành “Cần Thơ” cho đến ngày giải phóng.

Không để gián đoạn tiếng nói chính nghĩa của Đảng, của Mặt trận

Trong hồi ký, ông Đặng Hồng dành nhiều dung lượng để nói về những gian lao, hy sinh của các nhà báo cách mạng Cần Thơ thời kỳ này. Có nhiều năm giặc đóng đồn bót dày đặc vùng nông thôn, mật độ chiến tranh ngày càng ác liệt, Tòa soạn báo lại ở gần đồn giặc, ăn ở, làm việc, đi lại phải tuân thủ phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không lớn” mới có thể bảo tồn lực lượng. Vậy nhưng: “Anh em vẫn giữ vững thế trận của tờ báo, kịp thời đưa tờ báo đến cơ sở và ra dân, không để gián đoạn tiếng nói chính nghĩa của Đảng, của Mặt trận trong dân”. Đặc biệt, các tờ báo đã phục vụ kịp thời các chiến dịch lớn Đồng khởi 1960, Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Nguyễn Huệ - Xuân Hè 1972; ký kết Hiệp định Paris tháng 1-1973; phục vụ chiến công đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. “Đội ngũ những người làm báo của tỉnh Cần Thơ không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác chuyên môn mà còn nêu cao tinh thần tự lực tự cường trong các mặt hoạt động khác nhằm đảm bảo sự an toàn của tòa soạn và tờ báo. Mỗi cán bộ, phóng viên trẻ lúc có giặc thì trở thành chiến sĩ cầm súng, bố trí hầm chông, chất nổ, giết giặc, bảo vệ căn cứ. Cán bộ, phóng viên báo, mỗi người phải tự lực gạo ăn trong 3 tháng một năm (bốn giạ rưỡi lúa)” - ông viết trong hồi ký.

Khánh thành Bia kỷ niệm Nhà in Giải Phóng - đơn vị phụ trách in ấn báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ.

Làm báo thời chiến, để tờ báo đến được tay người đọc cũng là một kỳ công. Vậy nhưng, những người làm báo vẫn luôn giữ vững khí thế, với quyết tâm chính trị rất cao, bởi: “Dân nói với nhau là còn thấy một miếng báo Đảng là dân tin rằng còn cách mạng, còn Đảng, nhất định cách mạng sẽ thành công” - theo lời kể của ông Đặng Hồng. Ở vùng giải phóng, các Ban chấp hành, Ban cán sự đoàn thể, hệ thống thông tin của ta vẫn bằng mọi cách đưa báo đến hội viên, truyền tay tờ báo đọc cho đến khi tờ báo rách không còn đọc được mới thôi. Báo chí cách mạng còn thông qua các cơ sở bí mật len lỏi vào thành phố, thị xã, thị trấn, vùng tranh chấp đến với từng quần chúng cảm tình, tích cực mà giặc không hề hay biết. Ông Đặng Hồng nhấn mạnh: “Chính đó là linh hồn, là sức sống mãnh liệt nhất, có tác dụng thiết thực nhất của báo chí cách mạng Cần Thơ qua các giai đoạn của thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước”.

Nhắc đến báo chí Cần Thơ thời kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị gắn bó mật thiết không thể quên đó là nhà in. Suốt 21 năm ấy, tòa soạn báo và nhà in luôn đóng gần nhau, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ đưa tiếng nói chính nghĩa của cách mạng Cần Thơ đến với đồng bào. Từ Càng Đước, Trường Long rồi dời về kinh Chệt Sáu, Phương Bình, nhà in và tòa soạn báo vẫn đồng hành cùng sứ mệnh ấy.

Đầu tháng 5-2024, Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ đã tổ chức khánh thành Bia Kỷ niệm Nhà in Giải Phóng. Thời kỳ Luật 10/59, Tổ In ấn giấy sáp thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ được thành lập, mang tên Nhà in Nguyễn Văn Giỏi. Nhiệm vụ của Nhà in lúc bấy giờ là in tờ báo “Tranh Đấu”, tài liệu học tập, tài liệu binh vận, các loại truyền đơn cổ vũ phong trào hành động cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tiến tới cuộc Đồng Khởi thắng lợi, tháng 9-1960. Sau khi báo “Giải Phóng” ra đời, thay cho báo “Tranh Đấu”, thì Nhà in Giải Phóng cũng được thành lập, in chữ chì thủ công, để in báo “Giải Phóng”, vào giữa năm 1961. “Thành quả đầu tiên của Nhà in Giải Phóng là in số báo “Giải Phóng” đặc biệt chào mừng ngày Mặt trận ra đời, công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước theo đường lối của Đảng. Báo “Giải Phóng 8 trang”, in 3 màu, khổ lớn - tờ báo chữ chì đầu tiên của Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xuất hiện trước công chúng trong niềm hân hoan tiếp đón của mọi người”, trích “Ngành In Cần Thơ thời kỳ kháng chiến (1954-1975)” của tác giả Hồng Nguyễn, in trong “Tuyên huấn Cần Thơ thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ” (bđd).

Trưa ngày 28-4-1975, từ căn cứ ở ngọn kinh Chệt Sáu (Phương Bình), Tòa soạn Báo Cần Thơ và Nhà In Giải Phóng cùng các bộ phận khác của Ban Tuyên huấn lên đường đến rạch Sen Trắng (Long Thạnh). Chiều 29 tháng 4, ra chốt tại kinh Bà Triệu (Thạnh Hòa) tiếp tục biên soạn bài vở, tin tức cho tờ báo phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bài, ảnh: DUY KHÔI


Bài viết tham khảo:

• Quyển “Tuyên huấn Cần Thơ thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, 2016

• Bài phát biểu của ông Trần Bình Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ, tại lễ khánh thành Bia Kỷ niệm Nhà in Giải Phóng, tháng 5-2024.

Chia sẻ bài viết