08/01/2008 - 11:42

Bangladesh quyết chiến với tham nhũng!

Tuy mới ra đời chỉ được một năm, Ủy ban chống tham nhũng (ACC) Bangladesh đã gặt hái được những thành quả to lớn. ACC cam kết sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần quyết thắng nhằm tạo dựng một môi trường chính trị trong sạch, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2008.

 

Các quan chức Ủy ban chống tham nhũng Bangladesh. Ảnh: Star 

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, có trụ sở tại Đức) xếp Bangladesh vào nhóm những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Theo tờ Financial Express của Bangladesh, tham nhũng gây thiệt hại cho đất nước Nam Á này mỗi năm tới 1 tỉ USD. Con số đó không phải là nhỏ nếu biết rằng có tới 70% trong tổng số hơn 150 triệu dân Bangladesh thuộc diện nghèo.

Từ khi ACC ra đời đến nay đã có khoảng 200 cựu bộ trưởng, thủ lĩnh chính trị, nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ và tiến trình xét xử đang diễn ra thuận lợi. Trong số này có cả hai cựu thủ tướng Khaleda Zia và Sheikh Hasina. Tỉ phú Obaidul Karim (đang lẩn trốn ở nước ngoài) cũng bị tuyên án tù chung thân vì tội biển thủ 1 triệu USD. Karim là chủ tịch tập đoàn Orion đầy uy thế trên các lĩnh vực dược phẩm, xây dựng, dệt may và truyền thông. Ông có mối quan hệ mật thiết với người con trai lớn của bà Zia mà nhờ đó từng trúng nhiều hợp đồng xây dựng béo bở.

Theo chủ tịch ACC, Trung tướng về hưu Hasan Mashhud Chowdhury, điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là tính độc lập của ACC. Do không chịu sức ép của đảng phái chính trị nào nên ACC không gặp trở ngại trong việc điều tra, thẩm vấn và đưa ra xét xử các nhân vật “cỡ bự”. Tuy nhiên, độc lập không thôi chưa đủ, ông Chowdhury cho rằng tinh thần quyết chiến của cơ quan này mới là yếu tố then chốt. Khẩu hiệu hành động của ACC là: “Không bao che, không chấp nhận và dung thứ tham nhũng”. Theo ông Chowdhury, sự tin cậy, hậu thuẫn và hợp tác của quần chúng cũng có vai trò to lớn trong cuộc chiến cam go này.

Ngoài mục tiêu hàng đầu là làm trong sạch hệ thống chính trị, ACC còn mạnh dạn tấn công vào giới doanh nhân vốn xem hối lộ là điều không thể thiếu trong làm ăn. Nhiều người lo ngại nếu đánh thẳng vào “văn hóa hối lộ” của doanh nghiệp sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng theo giáo sư Muzaffar Ahmed, người đứng đầu tổ chức Minh bạch Quốc tế Bangladesh (cơ quan hợp tác với ACC), một nền kinh tế bị chi phối bởi các thủ đoạn tham nhũng thì không thể phát triển bền vững.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Xinhua, Thomson Financial, The New Nation)

PHÚC NGUYÊN(Theo Xinhua, Thomson Financial, The New Nation)

Chia sẻ bài viết