02/09/2021 - 09:26

Quản lý game - Không thể “gọt chân cho vừa giày”

Bài 3: Vòng kim cô, bộ lọc và kháng sinh cho trò chơi điện tử 

Ngành game Việt Nam phát triển nhanh tới mức chóng mặt. Trong điều kiện công nghệ thông tin có tốc độ đi trước khá nhanh so với các lĩnh vực khác đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý loại hình này. Nhiều giải pháp đã được đề cập nhưng tính hiệu quả của nó thì cần thời gian trả lời.

Không lặp lại những quy định cho có

Từ khi game nói chung và game online nói riêng xuất hiện, các cơ quan chức năng đã đưa ra những quy định để quản lý. Tuy vậy, những quy định này không những chưa thể theo kịp sự phát triển của game mà công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi sai phạm cũng không triệt để. Thậm chí, có những quy định bị xem là "ban hành cho có" vì tính khả thi không cao.

Theo quy định của Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tự phân loại game theo độ tuổi; yêu cầu người chơi phải cung cấp thông tin về họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ đăng ký thường trú, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu; bảo đảm thời gian chơi của người dưới 18 tuổi không quá 3 giờ mỗi ngày... Thế nhưng, việc thực hiện các quy định này chỉ mang tính hình thức. Đơn cử với những game chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên nhưng ai cũng có thể tạo tài khoản để chơi. Sở dĩ có việc này vì những thông tin xác thực như họ tên, ngày/tháng/năm sinh, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu chỉ để cho có và không thể xác thực, đối chiếu. Trong khi đó, quy định các quán game không được hoạt động từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau cũng không mấy hiệu quả. Cùng với đó, với công nghệ thiết bị số phát triển như hiện nay, nhiều người chơi không cần đến cửa hàng game mà họ chơi trên các thiết bị di động ở mọi nơi, mọi lúc.

Anh Trịnh Tuấn Linh, một kỹ sư công nghệ thông tin tại Hà Nội chia sẻ: “Các nhà sản xuất, phát hành game hoàn toàn có thể quản lý thời gian chơi của người chơi, tuy nhiên, họ vẫn tìm cách lách luật. Khi quy định này mới có hiệu lực, việc này được thực hiện khá nghiêm. Nhưng chỉ một thời gian sau, họ tìm cách né quy định bằng cách để người chơi thoát, tắt game, khởi động lại máy là có thể chơi tiếp”.

Một nhà quản lý cho rằng, những quy định trong quản lý game hiện nay mới tập trung vào các nhà sản xuất và người chơi mà chưa làm rõ được vai trò của nhiều nhà mạng. Đây là một lỗ hổng. Bằng chứng là những đường dây đánh bạc và các cá nhân tham gia đánh bạc trên mạng bằng hình thức núp dưới các vỏ bọc là game online bị phát hiện. Cách thức khá tinh vi nhưng lại rất dễ thao tác, thậm chí với cả trẻ nhỏ cũng làm được. Đó là mua một mã thẻ cào điện thoại rồi nạp vào cổng game. Một hình thức nữa là nhắn tin mất tiền vào đầu số được cung cấp. Từ tiền thật trong thẻ được đổi ra tiền ảo. Tiền ảo dùng cho các lần chơi, cá cược, đánh bạc nhưng phải mua bằng tiền thật, mua bao nhiêu cũng được. Như vậy, để lấy được tiền thật từ tiền ảo, có vai trò của các nhà mạng cung cấp internet, dịch vụ viễn thông.


Hệ thống pháp lý hoàn thiện giúp game phát triển lành mạnh và kiểm soát tốt người chơi. (Trong ảnh: Game Liên minh huyền thoại được ưa thích ở nước ta và là một môn thể thao điện tử (esport) thi đấu tại SEA Games 31). Ảnh: webthethao.vn. 

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Hiện nay, Việt Nam chưa thừa nhận tiền ảo là tài sản nên thiếu hành lang pháp lý để quản lý loại sản phẩm này. Trong khi đó, các trò chơi game trên internet thường sử dụng loại tiền này để mua bán, trao đổi. Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để vẽ ra các trò chơi game hình thức bỏ tiền thật ra mua tiền ảo và có thể quy đổi lại với tiền thật làm phương tiện để thực hiện hoạt động đánh bạc online trái phép. 

Thêm vòng kim cô và bộ lọc

Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước chúng ta trong lĩnh vực này cho thấy, cần nghiên cứu, tham khảo cách thức quản lý của họ. Anh Trần Quốc Huy, người dân sống tại phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Tôi chơi game đã lâu, nhiều lần muốn đăng ký tài khoản chơi game của Hàn Quốc nhưng không được vì nhà cung cấp không xác thực được số chứng minh nhân dân của tôi. Trong khi đó, các game phát hành trong nước thì chỉ cần nhập đại một vài số bất kỳ trong phần khai báo số chứng minh nhân dân là được. Tôi cho rằng, sau khi chúng ta hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư thì nên quản lý theo cách này”.

Nhấn mạnh việc nếu để trẻ em chơi game không kiểm soát thì ảnh hưởng đến cả thế hệ, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Các văn bản pháp quy hiện nay khá đầy đủ. Game là ngành kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích thì phải có đầy đủ yếu tố bảo đảm để nó vận hành. Ví dụ khoảng cách đặt quán game xa trường học cự ly bao nhiêu? Rồi có các yếu tố bảo đảm để các em không vào chơi game, thời gian chơi bao lâu thì phù hợp?... Chúng ta phải có “tường lửa”, phải có “bộ lọc”, phải có “kháng sinh” chứ không được cấm. Các cơ quan nhà nước đã có văn bản quy phạm pháp luật rồi thì phải có thanh tra, kiểm tra nghiêm túc để game đi vào quy củ".

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia phát triển mạnh công nghệ thông tin, họ không cấm game mà tập trung vào xây dựng “tường lửa” quản lý. Nhằm giảm thiểu tình trạng nghiện game của thanh, thiếu niên, năm 2019, Chính phủ Trung Quốc đưa ra quy định, người dưới 18 tuổi không được phép chơi game trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 8 giờ. Vào các ngày trong tuần, trẻ em chỉ có thể chơi game 90 phút mỗi ngày, có thể chơi 3 giờ trong các ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ. Người chơi ở độ tuổi từ 8 đến 16 chỉ có thể nạp thẻ tối đa là 200 nhân dân tệ mỗi tháng; người chơi ở độ tuổi từ 16 đến 18 được nạp tối đa 400 nhân dân tệ mỗi tháng. Ngoài ra, người chơi game online phải đăng ký hồ sơ với căn cước công dân, số điện thoại thật và phải được người chơi khác đã đăng ký thành công trước đó xác nhận đầy đủ. Sắp tới, những người chơi game vào ban đêm sẽ phải chứng minh mình đã đủ tuổi trưởng thành. Theo đó, nhà sản xuất game Tencent đang bắt đầu ứng dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt để ngăn chặn tình trạng trẻ em chơi game vào giờ giới nghiêm, vi phạm lệnh cấm nêu trên của Chính phủ. Còn tại Hàn Quốc, chính phủ yêu cầu tất cả nhà phát hành và kinh doanh game phải đặt giới hạn cụ thể về thời gian chơi theo ngày; thiếu niên ở độ tuổi đến trường không thể chơi game trong khung giờ đi học...

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: "Có thể sửa đổi các quy định pháp luật để nâng chế tài đối với hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép trên internet. Với hành vi này, chế tài của pháp luật hình sự hiện nay thì người đánh bạc có mức chế tài cao nhất không quá 7 năm tù, người tổ chức đánh bạc thì chế tài cao nhất không quá 10 năm tù, trong khi đó số tiền chiếm đoạt, thu lợi bất chính từ hoạt động đánh bạc trái phép có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành, sử dụng thẻ cào điện thoại, ví điện tử và các hình thức thanh toán điện tử khác tránh trường hợp các đối tượng sử dụng vào mục đích đánh bạc online". Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Minh, đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang cho rằng: "Phải siết chặt việc quản lý cấp phép các game, trong đó vai trò của cơ quan chức năng trong việc thẩm định rất quan trọng. Đơn cử như một game mới ra đời cùng với việc thẩm định nội dung game thì phải xem xét rõ nó có mang tính chất cờ bạc hay không... Cùng với đó, các văn bản pháp luật trong quản lý game cần điều chỉnh thêm một đối tượng nữa ngoài nhà sản xuất game và người chơi, đó là trách nhiệm của các nhà mạng".

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Theo đó, bắt buộc nhà cung cấp phải có giải pháp để khống chế thời gian của người chơi game, đặc biệt là trẻ em dưới 18 tuổi. Nghị định sửa đổi vẫn phân loại trò chơi điện tử theo các độ tuổi: Từ 18 tuổi trở lên; từ 16 tuổi trở lên; từ 12 tuổi trở lên; mọi lứa tuổi. Mỗi độ tuổi sẽ có nội dung phù hợp. Dự thảo cũng yêu cầu có hệ thống thiết bị kỹ thuật phục vụ việc phát hành và quản lý trò chơi trên mạng của doanh nghiệp bảo đảm: Lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi. Về quản lý thời gian chơi của người chơi từ 0 đến 24 giờ hằng ngày, bảo đảm mỗi người từ 18 tuổi trở lên chỉ được chơi 180 phút/ngày đối với từng trò chơi; đối với người dưới 18 tuổi, bảo đảm tổng thời gian chơi tất cả trò chơi của doanh nghiệp không quá 180 phút...

Chuyên gia cho rằng, dự thảo như vậy là đủ về pháp lý. Tuy vậy, quan trọng nhất là các giải pháp để thực thi nó và đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra) trong quá trình thực hiện. Bởi nếu không có giải pháp khả thi thì quy định rất khó đi vào cuộc sống.

Cùng với trách nhiệm quản lý nhà nước thì điều rất quan trọng là trách nhiệm của chính các gia đình. Cha mẹ phải chấp nhận mất nhiều thời gian, gác lại công việc để quan tâm đến con em mình. Có như vậy, cha mẹ mới không để những đứa trẻ bị game tách biệt khỏi xã hội.

Sẽ không cấp phép các game có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động sau: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác-Đó là một nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

NGUYỄN TUẤN - ĐỨC TUẤN (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết