14/10/2021 - 09:08

Ba Lan không có ý định rời EU 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định nước này không muốn chia tay Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cáo buộc các chính trị gia đối lập phát tán những lời dối trá về việc Ba Lan rời khỏi khối (Polexit).

Dòng người biểu tình tại Vác-sa-va ủng hộ tư cách thành viên EU của Ba Lan. Ảnh: EPA

 “Phe đối lập đang tìm cách ám chỉ rằng chúng tôi muốn làm suy yếu EU bằng cách rời khỏi khối. Rõ ràng đó không chỉ là tin giả mà còn là điều tệ hại hơn”, Thủ tướng Morawiecki phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 4 nước Trung Âu (Visegrad) hôm 12-10. Bình luận được ông Morawiecki đưa ra vài ngày sau khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết rằng một số nội dung trong các hiệp ước của EU không tương thích với hiến pháp Ba Lan, làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của nước này. Phán quyết có nguy cơ làm xói mòn nguyên tắc chính của hội nhập châu Âu và châm ngòi cho viễn cảnh một ngày nào đó Ba Lan có thể “ly dị” EU.

Trong khi các chính khách trên khắp châu Âu bày tỏ sự thất vọng về phán quyết trên, lo ngại nó sẽ phá hoại trụ cột pháp lý của EU, Thủ tướng Morawiecki hoan nghênh động thái của Tòa án Hiến pháp. Ông cũng lưu ý rằng Ba Lan muốn tiếp tục ở lại EU nhưng mỗi quốc gia thành viên cần được đối xử một cách công bằng và tôn trọng.

Cuối tuần qua, hơn 100.000 người Ba Lan đã xuống đường biểu tình để ủng hộ tư cách thành viên EU. Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu và hiện là lãnh đạo đảng đối lập chính Civic Platform, cho biết các chính sách của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đang gây nguy hiểm cho tương lai của Ba Lan ở châu Âu. “Chúng tôi biết lý do tại sao họ muốn rời khỏi EU... để họ có thể vi phạm các quy tắc dân chủ mà không bị trừng phạt”, ông Tusk cáo buộc khi tham gia tuần hành tại thủ đô Vác-sa-va.

Phía PiS lập luận rằng EU đang hành động vượt quá khuôn khổ thẩm quyền nhằm ngăn chặn những cải cách tư pháp tại Ba Lan, điều mà Brussels mô tả là bào mòn tính độc lập của các tòa án. Dù vậy, đảng này khẳng định họ không có kế hoạch Polexit.

“Câu trả lời rõ ràng” của EU

Hôm 12-10, Cao ủy phụ trách vấn đề đối ngoại của EU Josep Borrell đã lặp lại lo ngại của Ủy ban châu Âu (EC) về phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan, đồng thời nói rõ liên minh chính trị - thương mại này sẽ đưa ra “câu trả lời rõ ràng” đối với phán quyết. “Bạn là thành viên của khối, bạn phải tuân thủ những quy tắc của khối. Và quy tắc quan trọng nhất là luật châu Âu xếp trên luật quốc gia”, ông Borrell nhấn mạnh khi đang công du Ukraine. Trước đó, EC tuyên bố sẽ không ngần ngại sử dụng mọi quyền hạn theo các hiệp ước để bảo vệ tính tối cao của luật pháp EU. Trong trường hợp xấu nhất, EC có thể đề nghị tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EU.

Ngoài những “đòn trừng phạt” đó, Ba Lan cũng có thể phải cân nhắc những rủi ro kinh tế của cuộc đối đầu với EU vì một khi vấn đề chưa được giải quyết, nước này khó nhận được bất cứ đồng nào trong gói phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 30 tỉ euro từ EU. Thật ra, các chính phủ dân túy cánh hữu ở Ba Lan và Hungary lâu nay bất đồng với EC về nhiều vấn đề như tự do báo chí, di cư, quyền LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới) và độc lập tư pháp. Tuy nhiên, bất chấp xung đột giữa Vác-sa-va và Brussels, tỷ lệ ủng hộ tư cách thành viên EU ở Ba Lan vẫn rất cao. Ðây là sự khác biệt rất lớn so với Anh khi người dân xứ sương mù bỏ phiếu chia tay EU (gọi là Brexit) hồi năm 2016.

Tư cách thành viên của Ba Lan từ năm 2004 đã giúp nước này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Âu. Giai đoạn 2004-2020, Ba Lan đã nhận tới gần 195 tỉ euro từ ngân sách của EU, trong khi đóng góp chưa tới 63 tỉ euro.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, CNBC)

Chia sẻ bài viết