|
Tổng thống đắc cử Obama và tân Ngoại trưởng Hillary.
Ảnh: AP |
Ngày 1-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đã chính thức công bố bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Hillary Clinton vào cương vị Ngoại trưởng. Các nhà phân tích cho rằng quyết định của ông Obama là khôn ngoan vì bà Hillary có uy tín trong và ngoài nước, có thể giúp nâng cao ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Mặt khác, động thái này còn hàn gắn rạn nứt trong đảng Dân chủ do bà Hillary từng là đối thủ của ông Obama trong việc tranh vé chạy đua vào Nhà Trắng.
Thật ra, việc bổ nhiệm bà Hillary không phải dễ dàng gì. Để mở đường cho vợ ngồi vào ghế Ngoại trưởng, cựu Tổng thống Bill Clinton đã phải đồng ý công khai danh tánh 208.000 nhà tài trợ cho quỹ của ông và ông cũng sẽ từ chối nhận sự đóng góp từ các chính phủ nước ngoài cho hội nghị từ thiện hàng năm Quỹ Sáng kiến toàn cầu Clinton (CGI), đồng thời sẽ không tiến hành các cuộc họp của CGI ở nước ngoài. Ông Clinton cũng cam kết sẽ thông báo trước cho Bộ Ngoại giao về bất cứ bài thuyết trình nào của ông trong tương lai. Sau khi rời Nhà Trắng, ông Clinton đã kiếm được hàng triệu USD từ các buổi diễn thuyết.
Với kinh nghiệm từng đi tới 80 quốc gia khi còn là Đệ nhất phu nhân, bà Hillary được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đường lối đối ngoại của Mỹ, như cam kết của ông Obama, nhằm chấm dứt những lo ngại xung quanh “cuộc chiến chống khủng bố”. Nhiệm vụ lớn nhất mà vị Ngoại trưởng 61 tuổi này phải làm ngay là tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Viết cho tạp chí “Các vấn đề đối ngoại” một năm trước, bà Hillary cho rằng bước đầu tiên để khôi phục vị thế siêu cường của Mỹ là rút quân khỏi Iraq và tăng thêm quân số để cải thiện an ninh ở Afghanistan. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của ông Obama.
Một thách thức khác mà bà Hillary sẽ đối mặt là làm thế nào để tiếp cận Iran. Chính quyền George Bush cáo buộc Iran có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và hỗ trợ các tay súng nổi dậy ở Iraq nên đã cắt đứt các cuộc tiếp xúc với Tehran. Trước đây, bà Hillary từng chỉ trích tuyên bố của ông Obama về việc sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran, Syrie và Bắc Triều Tiên là “ngây thơ” về ngoại giao. Thậm chí, bà từng đe dọa sẽ “xóa sổ” Iran nếu Tehran sử dụng vũ khí hạt nhân chống Israel. Do vậy, khi đảm nhận vị trí Ngoại trưởng, bà Hillary sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.
Tuy nhiên, khó “xơi” nhất vẫn là việc xử lý mối quan hệ với các cường quốc, bởi bà Hillary lên làm Ngoại trưởng trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức vai trò siêu cường của Mỹ.
NGUYỄN MINH (Theo Reuters, WSJ, AFP)
Cũng trong cuộc họp báo ở Chicago hôm qua, ông Obama đã công bố một số vị trí chủ chốt, gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tiếp tục tại nhiệm, Thống đốc bang Arizona Janet Napolitano giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa; Luật sư da màu Eric Holder giữ chức Bộ trưởng Tư pháp; cựu chỉ huy NATO Jim Jones làm Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Đô đốc Dennis Blair làm Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, và bà Susan Rice, cố vấn thân cận của ông Obama, được bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. |