Sau khi chế độ Muammar Gadhafi sụp đổ, chính phủ mới tại Libye thừa hưởng kho vũ khí nhưng đã yếu và lỗi thời từ quân đội nước này. Với mong muốn tăng cường sức mạnh phòng thủ, chính phủ thân Mỹ ở Libye đã khởi động một loạt các cuộc thương lượng với Washington về việc mua vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, các thương vụ vũ khí của Mỹ tại Libye và một số nước khác ở Trung Đông đã vướng những khó khăn nhất định.
|
Với một Trung Đông thường xuyên biến động, vũ khí đổ về đây tiềm ẩn nhiều rủi ro an ninh cho khu vực và thế giới. Ảnh: AFP |
Xem việc Libye muốn sở hữu vũ khí là "cơ hội để giúp đỡ đồng minh", các thượng nghị sĩ và giới chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc giục Bộ Ngoại giao thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí. Tuy nhiên, bất chấp mong muốn ủng hộ Chính phủ Libye còn "non trẻ" và bất chấp cơ hội tài chính nhằm giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ đối phó với chính sách cắt giảm ngân sách sắp tới, Bộ Ngoại giao Mỹ dường như muốn "lắc đầu". Đó là do Bộ Ngoại giao Mỹ bị ràng buộc bởi luật định trong việc đánh giá xem với các thương vụ, hợp đồng bán vũ khí ra nước ngoài có nằm trong lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Bên cạnh đó, tình hình chính trị tại Libye vẫn còn phức tạp, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra không thoải mái và dẫn đến việc trì hoãn, ngăn cản các thương vụ vũ khí "đầy tiềm năng" trên.
Khi được hỏi về những sức ép xung quanh Libye và các thương vụ ở Trung Đông, Andrew Shapiro, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề quân sự-chính trị Mỹ, mô tả đây là môi trường khó khăn và điều cần thiết để chắc rằng Bộ Ngoại giao vẫn nắm quyền đối với các thương vụ bán vũ khí. Trong trường hợp của Libye, vụ Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi bị tấn công hồi năm rồi, khiến 4 nhân viên Mỹ thiệt mạng, đã trôi qua mà không hề có bất cứ hợp đồng vũ khí đáng kể nào được ký kết. Trong khi đó, Lãnh sự quán Libye tại Mỹ cũng "không phản ứng gì" trước những yêu cầu bình luận về lợi ích quốc gia trong các hợp đồng vũ khí.
Bộ Ngoại giao Mỹ xem vụ tấn công ở Benghazi là minh chứng cho một lời cảnh báo, chứng tỏ quốc gia Bắc Phi này vẫn còn quá bất ổn để có thể quản lý an toàn vũ khí. Đáp lại, những người đề xuất các thương vụ bán vũ khí thì lập luận rằng việc thiếu phản ứng từ chính quyền Libye đối với vụ tấn công là điều kiện cần để trang bị vũ khí. Theo Guy Ben-Ari, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ, những tranh luận giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng là một điều tích cực khi có một sự không chắc cho một bên và cơ hội để tăng cường quan hệ với bên kia. "Trong nhiều trường hợp, Mỹ thậm chí không biết đâu là đối tượng có liên quan, ở một chừng mực nào đó. Rõ ràng, điều đó không sai ở Syrie và Libye. Bạn không biết ai sẽ kết thúc trong quyền lực, cũng như quan điểm của họ đối với đồng minh là gì"- Ben-Ari nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ đánh giá xem liệu chính phủ của quốc gia "khách hàng" có thiện cảm với Mỹ hay không, mà còn xem xét liệu vũ khí có được chuyển giao cho quân đội hay có thể rơi vào tay các phần tử cực đoan. Hầu hết những quốc gia trải qua biến cố lớn tại khu vực Trung Đông đều không phải là "khách hàng" mua vũ khí hạng nặng tầm cỡ của Mỹ, ngoại trừ Ai Cập. Cairo vốn là thị trường béo bở với hàng tỉ USD dành cho công nghiệp vũ khí của Mỹ, nhưng đã nhanh chóng biến mất khi các cuộc biểu tình gần đây nổ ra tại quốc gia này. Với môi trường bất ổn vây quanh lập trường chính sách đối ngoại của Cairo cùng với những hoài nghi về "sự ổn định" của Chính phủ Ai Cập, các thương vụ vũ khí của Mỹ chất chứa hiểm họa càng to lớn hơn.
THANH BÌNH (Theo Defensenews)